Tập trung phát triển chăn nuôi sau tết

08/02/2023, 05:45

Ngay sau tết, người chăn nuôi trong tỉnh bắt tay vào tái đàn duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất và cung cấp nguồn thực phẩm ra thị trường. Việc tái đàn cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh.

Tái đàn chú trọng phòng bệnh

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, một lượng lớn gia súc, gia cầm được giết mổ để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Để chủ động tái đàn, gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Thắng Thuận, xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) đã đặt mua heo con ở chỗ quen từ trước tết để đảm bảo heo con khỏe, không có bệnh, cộng với số heo con do 3 con heo nái sinh sản duy trì đàn heo thịt 30 con. Bà Lan cho biết: “Dịp tết gia đình tôi xuất bán lứa heo hơn 20 con, giá bán heo thịt thấp 56.000 đồng/kg. Với giá thức ăn tăng cao như hiện nay cám 600.000 đồng/bao không có lãi, nhưng đây là nghề chính của gia đình nên tôi vẫn duy trì đàn heo ổn định lấy công làm lời”.

Bà Lan làm thức ăn cho đàn heo con

Không chỉ chăn nuôi heo, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đang dọn dẹp chuồng trại, tìm mua con giống để chuẩn bị tái đàn lứa mới. Bà Đới Thị Thìn ở khu phố Nam Trung, thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam) cho biết, năm vừa qua, đàn gà sao của gia đình không bị dịch bệnh, giá cả tương đối ổn định. Gà sao vẫn còn giữ lại một số bản năng hoang dã của gà rừng, nuôi thả trên đồi nên thịt rất săn chắc được nhiều nhà hàng, quán ăn ở huyện và TP. Phan Thiết đặt mua số lượng lớn nhất là vào dịp tết. Tết vừa rồi bà Thìn đã xuất bán 1.000 con vừa bán gà thương phẩm vừa chế biến gà ủ muối. Với giá bán từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về lãi khá. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc tái đàn, bà Thìn đã rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại mới nhập thêm khoảng 600 con gà về nuôi. Gà con nhập từ ngoài Bắc về được bà cho uống nước gừng, tỏi và duy trì thường xuyên cho đàn gà uống 6 năm nay để kích thích ăn uống, tăng sức đề kháng. Ngoài ra, bà còn sử dụng các loại lá thảo dược như củ tam thất, gừng, tỏi trộn với cám ép thành cám viên cho gà ăn nên đàn gà nuôi không bị bệnh. Với việc nuôi gà sao tận dụng các phế phẩm nông nghiệp và rau xanh vườn nhà giúp bà Thìn tiết giảm được chi phí chăn nuôi.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, năm 2023, chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn tăng cao. Do đó, trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế; không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó. Cùng với đó, để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng...

Đàn gà chăn nuôi quy mô trang trại ở Đức Linh.

Chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh

Năm 2023, tỉnh ta đề ra mục tiêu tổng đàn trâu 8.500 con, bò là 176.500 con, đàn heo 350.000 con (không tính heo con theo mẹ), đàn gia cầm là 6,4 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi cả năm 2023 ước đạt 85.000 tấn. Ngay từ đầu năm, cùng với ngành nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chính quyền các địa phương đã khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện hiệu quả. Trong năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức tiêm phòng 25.820.764 triệu liều vắc xin, đạt 129% kế hoạch năm. Triển khai có hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 và 2 năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động với tổng số hóa chất cấp phát, ra quân phun sát trùng là 15.520 lít. Theo đánh giá Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình chăn nuôi của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và có xu hướng phát triển đối với đàn gia cầm. Chăn nuôi của tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ và hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường ngày càng tăng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 212 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh, khẳng định được lợi thế phát triển chăn nuôi, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng với chính quyền các địa phương triển khai có hiệu quả Tháng tiêu độc, khử trùng môi trường trong toàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng để đảm bảo đàn gia súc, gia cầm được bảo hộ. Phấn đấu tiêm phòng cho 23 triệu lượt gia súc, gia cầm.

T.DUYÊN

Related articles
Người chăn nuôi tăng đàn dịp cuối năm
Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới, người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung tăng đàn, “vỗ béo” đàn vật nuôi để xuất bán dịp cuối năm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập trung phát triển chăn nuôi sau tết