Việc phân loại rác tại nguồn ở các nước đã thực hiện từ nhiều năm nay, Việt Nam chỉ mới bắt đầu, nhưng… trễ còn hơn không! Còn nhớ 2 năm trước, tôi đi công tác đến 1 xã ven biển của huyện Tuy Phong, nơi mà rác thải trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Tôi ngạc nhiên khi phát hiện trong hàng trăm, hàng ngàn hộ dân sống gần biển ấy, có 1 hộ đã có thói quen phân loại rác hơn 20 năm! 3 thế hệ sống trong gia đình ấy đã tiếp nối thói quen đó như chuyện ăn cơm hàng ngày. Họ phân rác thành 3 loại: loại tái chế được như nhựa, giấy, chai lọ để riêng bán ve chai; loại không tái chế được sẽ bỏ rác và thức ăn thừa sẽ được ủ làm phân bón cho cây trái trong vườn. Riêng bịch nilon còn dùng được, các thành viên trong gia đình rửa sạch, phơi khô và tái sử dụng, chứ không bỏ đi. Do đó, rác trong gia đình này được tái sử dụng tuần hoàn và rất ít thải ra môi trường. Bạn nhỏ nhất trong gia đình đang học tiểu học rất rành rẽ công việc trên và hay kể với các bạn trong lớp, xóm làng việc phân loại rác trong nhà mình như 1 tuyên truyền viên nhí về mô hình “người tốt, việc tốt”. Không chỉ vậy, các du khách đến nghỉ dưỡng tại homestay nhỏ của gia đình này, cũng được tuyên truyền như thế, như 1 câu chuyện kể rất đỗi đời thường và tận mắt thấy cách họ làm như minh chứng rằng: Phân loại rác rất đơn giản nếu bạn chịu thay đổi!
Thời gian gần đây, việc phân loại rác tại nguồn được nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai nhiều mô hình nhầm lan rộng thói quen trên đến từng hộ gia đình. Thông tin đến cuối năm 2024, buộc hộ gia đình và cá nhân phải phân loại rác tại nguồn cũng là quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý. Đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, đem lại lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế - xã hội.
Ở các thành phố lớn, việc phân loại rác tại nguồn đã dần được nhiều gia đình thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, thống nhất từ nguồn cho tới tận nơi xử lý, mà đơn giản họ làm vì ý thức được môi trường đang bị báo động đỏ vì lượng rác thải khổng lồ con người thải ra mỗi năm! Bạn tôi đang định cư tại Hàn Quốc, chia sẻ rằng: Việc phân loại và quản lý rác thải được chính quyền nơi đây kiểm soát rất nghiêm ngặt. Chỉ trong vòng 10 năm, những chính sách, nghị định liên quan đến vấn đề này được triển khai sâu rộng đến từng hộ dân và nhà nhà, người người thực hiện một cách nề nếp đến không ngờ. Một phần người dân tuân thủ tốt quy định vì mức xử phạt rất cao lên đến 1 triệu won (khoảng 18 tỷ đồng) nếu sử dụng túi rác không đúng quy định hoặc không tuân thủ các quy tắc phân loại rác. Mỗi khu dân cư sẽ có người kiểm tra, giám sát việc phân loại rác của người dân. Nếu sai phạm nhiều lần, không chỉ bị phạt nặng, hộ dân đó còn bị buộc phải chuyển chỗ ở, ảnh hưởng rất lớn đến công việc, học hành của con cái.
Do đó, để người dân dần thay đổi thói quen, ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường từ trong chính ngôi nhà của mình, công tác tuyên truyền, vận động có lẽ là giải pháp đầu tiên để việc làm này dần trở thành thói quen như việc đội nón bảo hiểm khi lái xe mô tô. Việc phân loại rác tại nguồn cần hình thành càng sớm càng tốt ở mỗi gia đình như một nét văn hóa. Cùng với đó là phải đầu tư đồng bộ trong tất cả các khâu từ hạ tầng thu gom, vận chuyển đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt. Có như vậy, chủ trương đúng đắn và ý nghĩa này mới đi vào thực tiễn cuộc sống dù có trễ, nhưng cũng cần làm ngay!