Tạo điểm nhấn để du khách đến với Bình Thuận

01/01/2023, 14:45

Tạo ra điểm nhấn độc đáo, mới lạ trong hoạt động du lịch là điều rất cần thiết trong tình hình hiện nay để kích cầu du lịch. Câu hỏi luôn được đặt ra cho ngành du lịch Bình Thuận là cần làm gì để thu hút khách và việc tổ chức các sự kiện, lễ hội, văn hóa... được cho là những “cú hích” hiệu quả nhân sự kiện Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

Muốn vậy, Bình Thuận cần xây dựng một chiến lược tổng thể và có kế hoạch hành động ngay để đón đầu thị trường du khách trong chuỗi sự kiện này, tạo đà cho du lịch cất cánh.

202212140924436.jpeg

Bình Thuận với lợi thế đường bờ biển dài 192 km, đường cao tốc 2 tuyến hoàn thành và kết nối trong năm 2023, đường sắt Bắc - Nam, đảo Phú Quý, khu du lịch quốc gia Mũi Né, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, môi trường tự nhiên thuận lợi; khí hậu nhiệt đới ôn hòa; nền văn hóa đặc sắc của 35 dân tộc anh em cùng chiều dài lịch sử, ẩm thực phong phú; đặc biệt là văn hóa lối sống của người dân chân tình, ấm áp, bao dung, cởi mở, tất cả làm nên một Bình Thuận hấp dẫn, một điểm đến có sức lôi cuốn với du khách trong và ngoài nước.

Bình Thuận hội tụ đủ yếu tố để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch thám hiểm hệ động, thực vật dưới biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc như: Nghinh Ông, Katê, dinh Thầy Thím, rước đèn Trung thu... Bình Thuận cũng là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên; là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch khu vực phía Nam như Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trong quá trình phát triển du lịch, Bình Thuận đã biến những “bất lợi” của địa phương như “nắng, gió, cát trắng” thành những lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghỉ dưỡng, du lịch golf, trở thành “thủ đô resort” của cả nước.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng đại dịch và năm 2022 phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực; tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,75%; thu ngân sách nhà nước đạt 11.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 10.000 tỷ đồng. Bình Thuận có khoảng 600 cơ sở lưu trú với gần 18.000 phòng, trong đó có 45 khách sạn, resort từ 3 - 5 sao với gần 5.000 phòng; nhóm ngành dịch vụ tăng 14,88%; năm 2022, Bình Thuận đón trên 5,7 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 13.680 tỷ đồng. Bức tranh du lịch tỉnh nhà đã có tổng thể, nhưng vẫn chưa quy hoạch cụ thể, còn vướng cơ chế cho các đơn vị khai thác. Điều này khiến có điểm du lịch có sản phẩm tốt, hấp dẫn nhưng chưa xây dựng được các tour du lịch mang tính bài bản, qua đó phần nào làm giảm thu hút khách đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng.

Để phát huy vai trò của du lịch Bình Thuận trong liên kết, tạo động lực phát triển, năm 2023, tỉnh Bình Thuận vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, qua sự kiện này, những giá trị, tiềm năng du lịch Bình Thuận sẽ được hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát biểu tại buổi lễ Công bố Năm du lịch quốc gia 2023, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hãy cùng chung tay góp sức với tâm thế cao nhất; các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia bằng những việc làm thiết thực nhất đối với các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2023.

Để khẳng định ngành du lịch tỉnh nhà trên bản đồ chung, trước tiên, phải đảm bảo an toàn cho du khách khi đến Bình Thuận. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số du lịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh các hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua các trang mạng xã hội, tối ưu hóa quảng cáo đối với các thị trường truyền thống để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách. Ngành du lịch Bình Thuận cần đổi mới hình thức và hoạt động xúc tiến quảng bá thu hút khách; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nền tảng số để quảng bá, tiếp cận thị trường khách trong nước và quốc tế.

Muốn vậy, một nguyên tắc cần đảm bảo nhất quán là phải thực hiện trên tinh thần tôn trọng, giữ chữ tín với khách du lịch, để mỗi du khách có nhu cầu đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng đều được đón tiếp trọng thị, tương xứng với chi phí họ bỏ ra, tránh việc quảng cáo sản phẩm không trung thực, chất lượng không như mong đợi, thiếu tôn trọng khách, dịch vụ không tương xứng. Đồng thời, thực hiện chương trình kích cầu du lịch tổng thể, đồng bộ từ vận chuyển, lưu trú, giảm giá phí tham quan dịch vụ tại các khu, điểm du lịch của địa phương để thu hút nguồn khách thông qua kích cầu không chỉ bằng hình thức giảm giá, cạnh tranh về giá, mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ, tạo sự tin tưởng và niềm tin về một điểm đến an toàn, thân thiện, dịch vụ chất lượng và sự hài lòng của du khách.

Bên cạnh đó, thực hiện liên kết trong tỉnh để tạo những sản phẩm, môi trường, hệ sinh thái du lịch luôn đổi mới, sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh; liên kết với các địa phương để xúc tiến quảng bá, hình thành các tour tuyến liên vùng, liên tỉnh; tạo được sự riêng biệt chứ không thể mang những cái đại trà, dễ dàng tìm thấy ở nơi khác đến vì như thế sẽ tạo ra những sản phẩm na ná nhau. Khi đã hình thành được sản phẩm thì cần đẩy mạnh truyền thông trên nhiều phương tiện để du khách thấy được những hình ảnh thân thiện mến khách của điểm đến.

Mọi việc đều bắt đầu từ con người, do vậy, Bình Thuận cần phải có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giảng viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút và phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, đồng thời hướng đến nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

DỤNG VĂN DUY

Related articles
Tạo sự đồng thuận qua truyền thông chính sách
Truyền thông chính sách là hoạt động để người dân tham gia xây dựng và nắm bắt chính sách cũng như đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của người dân, theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo điểm nhấn để du khách đến với Bình Thuận