Tánh Linh - trăm năm dáng núi

07/04/2023, 09:24

Từ năm Thành Thái thứ 13 (1901) Tánh Linh là địa danh hành chính cấp huyện, tách từ hai tổng Cam Thang, Ngân Chữ của thổ huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận nhưng bấy giờ thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng.

Tri huyện đầu tiên là người Chăm tên Mã Ôn (1). Ba năm sau, đến năm Thành Thái thứ 16 (1904) mới chuyển huyện Tánh Linh nhập lại phủ Hàm Thuận thuộc tỉnh Bình Thuận gồm 17 thôn sách, chia ra 3 tổng: Cam Thang, Ngân Chữ và Nông Tang (2). Thời Minh Mạng thứ 17 (1836), tổng Nông Tang thuộc huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận đã có địa danh thôn Tánh Linh (cùng thời với các thôn trong khu vực (Ma Lâm, Hiệp Nghĩa, Phù Trì).

Dân bản địa vùng cao Tánh Linh xưa chỉ có các bộ tộc người thiểu số Rai, K’ho, Châu Ro, Mạ sống theo buôn, mang, sách… Và duy nhất có làng Chăm Lạc Tánh (Palei Picam) và về sau dần dần người Kinh các vùng lân cận đến nhập cư sống nghề rừng, buôn bán trở thành trung tâm dân cư huyện lỵ Tánh Linh. Dưới triều vua Minh Mạng thứ 5 (1824) ban sắc phong Thần quản tế cho Pô Harum Cơk (Pô Lâm Chớ) lãnh chúa người Chăm cai quản vùng này.

Những địa danh huyền thoại

Đất huyện miền núi Tánh Linh, phía tây Bình Thuận ngày đó có địa giới giáp huyện Xuân Lộc, Túc Trưng (Đồng Nai), Đạ Oai, B’lao (Lâm Đồng)… Khi chưa lập tỉnh Đồng Nai Thượng, đất Di Linh thổ phủ (Di Dinh/ Djiring) từ năm 1899- 1905 là địa lý hành chính do Công sứ Bình Thuận quản lý. Sau đó tách ra trả về vùng cao nguyên để tái lập tỉnh Đồng Nai Thượng vào năm 1920. Trước đó, theo Doanh điền sứ Nguyễn Thông ghi trên châu bản “Doanh điền biểu văn” (1877) kể lại cuộc hành trình khảo sát vùng núi này, khi đi qua đất Lão Lâm (sát Võ Xu) đến cánh đồng lớn vào đất La Ngư (La Ngà), ruộng khẩn 3.000 mẫu, rồi theo chân núi Ông đến thôn Lạc Tánh, làng người Chăm theo đạo Bàni ở phía tây Bình Thuận có từ thời Minh Mạng thứ 5 thuộc tổng Nông Tang, huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận. Từ điển Địa danh đối chiếu… của Sakaya ghi Tánh Linh/ Danaw Aia Lin/Ling (hồ/ bàu) do người Pháp phiên âm (3). Hoặc có thể viết“Danau Halin”, đều có nghĩa “Bàu nước thiêng” bởi địa hình một lòng chảo được bao quanh bởi núi cao và con sông La Ngà. Tựu chung, chữ Danaw Lin/Ling, là trường hợp viết theo gốc Chăm bằng chữ Latin và người kinh đọc chệch âm thành Tánh Linh.

Nói đến Tánh Linh là phải nhắc đến con sông La Ngà, còn có tên gọi khác như La Nha, La Ngư… có chiều dài trên 270 km, bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh chảy qua địa bàn Tánh Linh, Đức Linh ngày nay. Dòng sông có nhiều đoạn ngoằn ngoèo rồi nhập vào sông Đồng Nai chảy ra biển Đông, tạo nên một lưu vực lớn, đất đai trù phú. Riêng tên con sông đã đồng hành cùng dòng chảy miên man có nhiều cảnh quan huyền ảo và biết bao điều kỳ diệu. Với sách “Gia Định Thành Thông Chí”(4) gọi là La Nha Giang, mô tả sông La Ngà bắt nguồn ở phía bắc thượng lưu Phước Long Giang- sông này từ núi Phố Chiêm chảy ra phía bắc gọi là sông Dã Dương rồi vòng quanh núi Cộp Cộp, do dòng nước chảy xiết cọ vào đá phát ra tiếng kêu cộp cộp. Có tư liệu cho rằng La Ngà là biến âm của từ Rơnga theo người Mạ hoặc La Ngà có gốc của người K’ho với nghĩa Lơnga là hạt mè vì dòng sông này mùa hạ có đoạn khô nước, lòng sông nổi lên nhiều đá cuội đen trắng lấp lánh, thấy như một bãi phơi hạt mè, nên đặt tên sông Hạt Mè (Lơnga/Hạt mè). Người Việt đọc chệch âm từ Lơnga thành La Ngà.

Nhưng với cách giải thích có sức thuyết phục hơn, theo Đại Nam Quấc Âm tự vị- Huình Tịnh Của, viết “Là Ngà” là tên một loài tre - mọc đầy hai bờ sông. Âm ngữ gốc địa danh này là Laghna. Người Việt mượn tên loài tre Là Ngà để phiên âm địa danh Laghna, về sau do đọc chệch thành La Ngà.(Cửa sổ tri thức, trg 56 -Pgs.Ts Lê Trung Hoa). Nguồn phù sa, trầm tích màu mỡ từ con sông “lực lưỡng” giữa đại ngàn này đã tạo nên những lưu vực phì nhiêu với những cánh đồng, đầm trũng, ngập nước quanh năm. Ở đây vừa là những cánh đồng rộng lớn, vừa là hồ nước ngọt mênh mông, tôm cá đầy đàn như Bắc Ruộng (Bác Dã), Đồng Kho, Biển Lạc/Lạc Dã… Từ đó trong dân gian có câu “cá Biển Lạc, lúa Đồng Kho”.

Đọc lại trang sử một thời

Sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862) Nhà Nguyễn thỏa hiệp giao cho Pháp vùng lãnh thổ Nam kỳ Biên Hòa, Gia Định, Định Tường nhưng vua Tự Đức âm thầm tính kế “Tạm thời khuất mình, không bị mất đất đai thì nên lắm”. Trước nguy cơ lần lượt mất thêm các tỉnh miền Tây, nhiều sĩ dân Nam kỳ bỏ xứ chạy ra vùng Giao Loan Bình Thuận lánh nạn. Đang lúc nghĩa quân Trương Định bị thất thế thì Phan Trung (Phan Cư Chánh/ Chỉnh) đứng ra tiếp lãnh sứ mệnh, rút quân về Giao Loan là địa bàn hiểm trở giữa Tánh Linh - Biên Hòa, không nằm trong nhượng địa Pháp để lập căn cứ. Với 500 nghĩa sĩ bất khuất của Phan Trung, khai phá vùng đất hoang để tự túc lương thực và rèn đúc vũ khí, xây dựng lực lượng tự xưng “Bình Tây Phó Nguyên Soái”, được vua Tự Đức ngấm ngầm ủng hộ với kế sách vừa đánh vừa đàm…

Năm Tự Đức thứ 30 (1877) Thị giảng học sĩ Nguyễn Thông được giao chức Doanh điền sứ tỉnh Bình Thuận, trực tiếp đi hội khám vùng La Ngư và vùng thượng du đã lập bản “Nghỉ thinh thượng du đồn khẩn sự nghi sớ” (Bài sớ khai khẩn đồn điền vùng thương du), có đoạn mô tả vùng đất vàng của Tánh Linh giữa núi cao rừng thẳm như thế này: “Biển Lạc vốn là một chằm lớn, mùa hè mùa thu mưa nhiều, các khe suối từ thượng nguồn đổ xuống, thế nước tràn trề, cá tôm đầy dẫy. Đầu xuân nước cạn, dân cư chọn cá tươi mà nấu, đến tháng tư mưa xuống mới thôi. Thật là một kho vô tận nuôi sống dân địa phương”(5). Không có gì lạ, khi phát hiện của đoàn hội khám ở phía bắc bờ sông La Ngư, phía nam đến núi Ông có “ruộng đã khai khẩn khoảng hơn 3.000 mẫu”… Nhưng vẫn còn thưa thớt dân cư mà chỉ có nhóm dân miền Nam đến Lạc Dã/Biển Lạc, lại mới dựng 15 nóc nhà! Có thể giải mã phần nào trong bối cảnh tình hình phong trào chống Pháp của Phan Trung. Đó là việc Phan Trung chiêu mộ 2.000 nghĩa binh tiếp tục chiến đấu và tổ chức 500 nghĩa binh, đã cùng với các sĩ phu thân tín trung thành của Trương Định, Tham tán quân vụ Lương Quang Quyền, Doanh điền sứ Nguyễn Văn Phương mộ phu, tuyển binh, khai khẩn đất hoang, lập “đồn diến khố”, tích trữ lương thảo… ở vùng đất này. Cho đến khi phải đương đầu trước nhiều áp lực từ triều đình Huế với Pháp, đành phải giải binh, coi như đã hết vai trò và phần lớn trở về quê nhà sinh sống hay tản lạc các nơi có cư dân ổn định. Bởi đây là vùng đất của tộc người miền núi sống gần gũi lâu đời với buôn rẫy và vẫn còn là vùng đất sơn lâm chướng khí. Thời Nguyễn Thông khi đi sâu vào vùng này rất khó mà giao tiếp với người dân tộc bản địa. Thậm chí họ còn trốn chạy nên những cuộc khảo sát không có người dẫn đường. Cho nên những mộ phu, nghĩa sĩ, lưu dân người kinh dù từng có mặt ở đây cũng khó thích nghi để chọn lựa cuộc sống an cư lập nghiệp.

Trong lịch sử hình thành vùng đất Giao Loan Biên Hòa - Tánh Linh (Bình Thuận) có một lợi thế chiến lược và trở thành căn cứ khá an toàn để xây dựng lực lượng cho phong trào yêu nước trong thời kỳ chống Pháp ở miền Đông Nam bộ. Không xa mấy với các địa danh Lạc Dã, Bác Dã, Dã An, Võ Xu, Võ Mang… dù quá trình biến đổi các địa danh do phát âm, chữ viết nhưng vẫn là một bằng chứng khá sinh động trên bản đồ vùng đất huyện Tánh Linh xưa và nay.

Mối quan hệ giữa Bình Thuận với hạt/trấn Biên Hòa khá đặc biệt trong hiệp đồng giữ ấn quan phòng tuần phủ. Như trường hợp cử chức án sát Bình Thuận đi làm án sát Biên Hòa hay năm 1849, đưa Phó lãnh binh Biên Hòa là Lê Công Đức thăng chức lãnh binh quan tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt hơn, bố chánh Biên Hòa Phạm Duy Trinh thấy dân trong hạt ngày càng tăng mà đất đai khô cằn nên nghĩ tới việc khai phá đất hoang với nhiều chính sách ưu đãi thuế, miễn đi lính để người dân đến vùng đất Chủ Chân (núi Chứa Chan) lập nghiệp. Thấy nguy cơ “tụ nghĩa” của những người dân có tinh thần kháng Pháp từ các nơi đến đây lánh nạn nên năm1866 triều đình Huế bị sức ép của Pháp phải ra lệnh đình chỉ việc khai khẩn đồn điền ở Tánh Linh (theo Địa chí Đồng Nai). Tiếp đó, năm 1890 lệnh “sáp nhập lãnh thổ người Mọi ở Tánh Linh vào Biên Hòa” (ĐCĐN- trang 203). Để dễ bề quản lý, năm 1899, Pháp cho thành lập quận núi Chứa Chan (thuộc tỉnh Biên Hòa). Sau đổi thành quận Võ Đắc, quận lỵ đặt tai xã Gia Ray. Năm 1912, bãi bỏ quận Võ Đắc để nhập vào quận Xuân Lộc (1924) đặt quận lỵ tại Xuân Lộc (thành phố Long Khánh hiện nay).

Nói đến địa danh hành chính quận/huyện Võ Đắc và liên hệ lại thị trấn Võ Đắc cũng là quận lỵ của quận Hoài Đức thời VNCH thuộc tỉnh Bình Tuy (1957-1975). Trong sách Nam Kỳ Địa Hạt Tổng Thôn…(1892) ghi Hạt Biên Hòa có 17 tổng, 196 thôn, trong đó tổng Bình Tuy có 7 thôn, gồm Cao Cang, Định quán, La Canh, Lý Lịch, Thuận Tòng, Túc Trưng, Vĩnh An. Phù hợp với bản đồ “Annuaire de l’Indochine.Hanoi 1910”- trên đất huyện Tánh Linh xưa đã có tổng Bình Tuy. Năm 1899, tổng Bình Tuy nhập vào tỉnh Đồng Nai Thượng. Cạnh bên là Hạt Biên Hòa/ Đồng Nai có tổng Phước Thành, trong đó có các thôn Gia An, Trà Tân và Dõ Đắt/ Võ Đắc…(6) là địa danh quận lỵ Hoài Đức trước đây- là một thị trấn của huyện Đức Linh ngày nay.

Những địa danh tên đất Tánh Linh- Đức Linh xưa nay và cả tỉnh, hạt Biên Hòa/Đồng Nai xen lẫn, chồng lấn lên nhau ở một số địa bàn giáp ranh của hai tỉnh Bình Thuận - Đồng Nai, đã làm nên sự giao thoa, tính cách, nếp sống văn hóa của con người ở đây, bởi dung hợp một phần Nam bộ hào phóng, một xứ miền Trung nghĩa tình…

Tại sao thời Ngô Đình Diệm khi ký sắc lệnh thành lập tỉnh Bình Tuy (24/1/1957) lại chọn địa danh hành chính là Bình Tuy? Có suy diễn cho rằng ghép hai tỉnh lân cận, chọn một từ Bình của Bình Thuận với Tuy của Phước Tuy! Chẳng lẽ đơn giản vậy, vì Phước Tuy cũng là một tỉnh mới cùng thời gian thành lập tỉnh Bình Tuy. Từ đó mới thấy sự tính toán của Ngô Đình Diệm, không những chọn địa bàn La Gi, Hàm Tân với vùng biển đã ổn định về cư dân mà vẫn phải mở rộng lên vùng cao Tánh Linh, đất đai trù phú, được coi là địa bàn chiến lược về quân sự lẫn kinh tế ở cuối dãy Trường Sơn. Cho nên mới tách phần đất rộng lớn của Tánh Linh lập quận Hoài Đức và quận lỵ ban đầu đặt tại Bắc Ruộng.

Những cột mốc để khởi đầu

Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất Tánh Linh nối dài với miền Đông Nam bộ, trở thành một căn cứ địa kháng chiến vững chắc có tầm chiến lược rất quan trọng. Dấu mốc mang tính lịch sử lớn nhất, sau hơn 50 năm (1904 - 1956) địa danh hành chính huyện Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Thuận, tồn tại trên bản đồ tỉnh Bình Thuận để trở thành một thành trì căn cứ cách mạng, kiên cường nhất với cuộc chiến chống Mỹ oanh liệt. Đây cũng là vùng đất thật sự giàu tiềm năng thiên nhiên nên chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương đưa dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đến các khu Dinh điền Bắc Ruộng, Nghị Đức, Mê Pu, Sùng Nhơn ở Hoài Đức và Gia An, Võ Xu, Hiếu Tín, Đồng Kho, Tà Pao ở Tánh Linh. Tiếp đó là các đợt di dân từ Quảng trị, Thừa Thiên - Huế… đến lập nghiệp. Đất Tánh Linh, Hoài Đức trở thành đất tỵ địa, đất tụ nghĩa, đất của người dân tứ xứ chăm chỉ lao động, không chịu khuất phục và có ý chí vươn lên để thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu.

Tháng 7/1960, trận đánh hủy diệt Chi khu quận Hoài Đức - Bắc Ruộng có ý nghĩa lịch sử gây chấn động toàn miền và buộc địch phải dời quận lỵ Hoài Đức về xã Võ Đắc và từ năm 1980 đặt tại thị trấn Võ Xu. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, với chủ trương của Trung ương, hai huyện Tánh Linh và Hoài Đức được sáp nhập thành huyện Đức Linh. Đây cũng bí danh của tổ chức Đảng của huyện căn cứ cách mạng Nam Thành từ năm 1970.

Ngày 26/4/1983, huyện Đức Linh lại được tách thành hai huyện Tánh Linh và Đức Linh, để mở ra một trang sử mới cho chặng đường xây dựng và phát triển. Phía Bắc sông và Nam sông của dòng sông La Ngà như một chứng nhân lịch sử của vùng đất lắm thăng trầm nhưng giàu lòng nghĩa khí…                    

Trích và tham khảo từ:

*Đại Nam Nhất Thống Chí -Bình Thuận (2)

*Địa chí Bình Thuận- (1).

*Nguyễn Thông, con người tác phẩm- (5).

*Từ điển Địa danh đối chiếu –Sakaya (3).

*Gia Định Thành Thông Chí -(4)

*Nam kỳ địa hạt tổng thôn- (6) Sách ghi: thôn Dõ Đắt- là đọc, viết theo âm Nam bộ thay vì Võ Đắc- địa danh này có từ trước 1892.        

PHAN CHÍNH

Related articles
Những tiếng chuông ngân vọng
Giữa vô vàn những thanh âm trong cuộc sống, sao có lúc tôi lại nghĩ về những tiếng chuông.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh - trăm năm dáng núi