Tăng viện phí, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh

08/08/2018, 14:32

BTO- Từ ngày 1/1/2018 đến nay các cơ sở y tế công lập trong tỉnh đã thực hiện mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (theo thông tư 02 của Bộ Y tế). Theo đó, mức phí khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT tăng từ 2 đến 4 lần. Để giúp bạn đọc hiểu thêm việc tăng viện phí, các dịch vụ y tế và những vướng mắc trong qua trình thực hiện, Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ - Bảo hiểm xã hội tỉnh xung quanh vấn đề này.

Từ ngày 1/1/2018 các cơ sở y tế công lập thực hiện tăng viện phí, dịch vụ y tế đối với người không có thẻ BHYT. Vậy có bao nhiêu dịch vụ tăng giá và mức tăng như thế nào? 

Trả lời: Ngày 5/12/2017, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 32/2017/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo đó, có 3 nhóm dịch vụ (DV) áp dụng cho người chưa có BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, bao gồm: Giá DV KCB (10 DV), giá DV ngày giường bệnh (5 DV); giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm (1.916 DV).

Trong đó, nhóm DV KCB và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất cao, cao gấp 2- 4 lần so với trước đây. Giá dịch vụ KCB tăng bình quân 149%. Giá dịch vụ ngày giường bệnh tăng bình quân 168%. Giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng bình quân 136%.

 

Cuối năm 2017 còn khoảng 18,72% dân số chưa tham gia BHYT, qua 6 tháng tăng viện phí thì tỷ lệ đó tham gia như thế nào? Tỷ lệ bao phủ BHYT những tháng đầu năm giảm, nguyên nhân do đâu?

Trả lời: Tính đến 30/6/2018, số người tham gia BHYT là 930.339 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 75,10% dân số (chưa bao gồm người dân của tỉnh đang đi học tập và làm việc ngoài tỉnh có tham gia BHYT; Quân nhân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu). So với đầu năm, số người tham gia BHYT tăng gần 17.000 người. Trong đó, tăng chủ yếu là người tham gia BHYT theo hộ cận nghèo tăng trên 10.000 người; người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng gần 4.000 người.

Tuy nhiên, so với cuối tháng 12/2017, tổng số người tham gia BHYT vẫn còn giảm gần 14.000 người, trong đó chủ yếu giảm ở một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT giảm khoảng 21.000 người và thân nhân sỹ quan quân đội giảm 947 người. Nguyên nhân giảm số người tham gia BHYT là do: Người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình nghèo giảm do có nhiều hộ đã thoát nghèo, hoặc chuyển sang đối tượng khác. Người dân tộc thiểu số và người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giảm theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Người thuộc đối tượng hộ cận nghèo thuộc diện ngân sách hỗ trợ 90% có thẻ BHYT đã hết hạn sử dụng chưa tham gia lại. HSSV tham gia BHYT theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, HSSV vùng biển, nông thôn kinh tế gia đình khó khăn, HSSV người dân tộc thiểu số không sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn... khi thẻ BHYT hết thời hạn chưa có điều kiện tiếp tục tham gia BHYT, không tham gia BHYT.

Hiện nay có một số bệnh viện đã thống nhất kết quả xét nghiệm, chụp hình ảnh nhằm giảm chi phí quỹ KCB BHYT. Vậy, tại Bình Thuận khi nào mới thực hiện?

Trả lời: Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quyết định số 316/2016/QĐ-TTg về phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Theo đó, chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Chậm nhất đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.Ngày 7/7/2017 Bộ Y tế có Quyết định số 3148/2017/QĐ- BYT ban hành danh mục xét nghiệm để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm. Như thế, Bình Thuận sẽ liên thông kết quả xét nghiệm kể từ năm 2020.

Tình trạng các cơ sở y tế luôn vượt quỹ, qua hệ thống giám định KCB BHYT trong 6 tháng đầu năm 2018 ngành BHXH đã từ chối thanh toán hàng nghìn hồ sơ KCB. Vậy chấn chỉnh vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Tình trạng vượt quỹ KCB BHYT ngày càng gia tăng, năm 2016 toàn tỉnh vượt hơn 117 tỷ, năm 2017 vượt 217 tỷ. Để chấn chỉnh vấn đề này, BHXH tỉnh tăng cường công tác giám định BHYT và phòng chống trục lợi quỹ BHYT. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tổ chức kiểm tra công tác KCB, thanh toán chi phí KCB BHYT; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật BHYT, nhất là hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Rà soát danh mục và cơ cấu giá của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại các cơ sở KCB theo đúng quy định, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật có nguy cơ lạm dụng cao như: Xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ kỹ thuật đầu tư từ nguồn xã hội hóa.... Phân tích, xác định nguyên nhân vượt quỹ KCB, vượt trần tuyến 2 của cơ sở KCB để kịp thời điều chỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám địnhchặt chẽ hoạt động cung ứng, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở KCB, đảm bảo tính hợp lý, an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình điều trị.

Người tham gia BHYT được hưởng những quyền lợi cơ bản gì?

Trả lời: Được cấp thẻ BHYT; thẻ BHYT m căn cứ để được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định. Được quỹ BHYT chi trả các chi phí: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật (Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; người công tác trong ngành công an, quân đội).

Luật BHYT quy định nguyên tắc của BHYT là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở; mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT; chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả. Luật BHYT sửa đổi năm 2014, có nhiều nội dung đổi mới thể hiện rõ tính ưu việt của BHYT, đó là mở rộng đối tượng tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến KCB BHYT.

Như vậy, tùy theo đối tượng tham gia BHYT sẽ được hưởng các quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Từ 1/7/2018 một số đối tượng điều chỉnh mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở, vậy quyền lợi của người tham gia BHYT như thế nào?

Trả lời: Quyền lợi của người tham gia BHYTvẫn không thay đổi: Người có thẻ BHYT khi đi KCB được Quỹ BHYT chi trả tối thiểu 80% chi phí KCB, có nhiều đối tượng được quỹ BHYT chi trả 100%; được chuyển tuyến trên khi bệnh nặng.Quỹ BHYT chi trả 100% cho các trường hợp: KCB tại tuyến xã; KCB khi người KCB có thời gian tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên và đã có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; thông tuyến huyện (Người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và có mức hưởng theo quy định như đúng tuyến). KCB trái tuyến huyện: Hưởng 100% trong phạm vi mức hưởng. Được hưởng 100% tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng); thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao: 45 tháng lương cơ sở (hiện nay là 62.550.000 đồng)...

Tại địa bàn thị xã La Gi, Bắc Bình, Đức Linh chưa có bệnh viện tuyến huyện (chỉ có bệnh viện đa khoa khu vực) nên người có thẻ BHYT muốn khám thông tuyến gặp nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia thì hướng giải quyết như thế nào?

Trả lời: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT cho phép: Trạm y tế được chuyển thẳng người bệnh đến bệnh viện đa khoa khu vực;người có thẻ BHYT được phép chọn nơi đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế, kể cả bệnh viện đa khoa khu vực.

Dư luận cho rằng giá dịch vụ y tế tăng, nhưng chất lượng KCB BHYT chưa theo kịp. Vậy, ngành BHXH giám sát vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Hàng năm BHXH tỉnh phối hợp cùng Sở Y tế giám sát, kiểm tra chất lượng KCB tại các cơ sở y tế. Hiện nay, các cơ sở KCB đã được đầu tư nâng cấp, ví dụ như: Bệnh viện đa khoa tỉnh vừa được trang bị máy chụp cộng hưởng từ (MRI), Trung tâm y tế TP. Phan Thiết trang bị máy chụp Citi 64 lát cắt… Riêng ngành BHXH luôn có đội ngũ giám định viên thường trực tại các cơ sở y tế KCB BHYT, luôn sẳn sàng phối hợp với cán bộ y tế giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB BHYT, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Xin cám ơn ông Đặng Minh Thông và ông Phạm Đình Cang

 LÊ THANH VÀ NGÔ TRÂM (thực hiện)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng viện phí, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh