Tại sao các doanh nghiệp chưa thể vào Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công?

28/12/2022, 05:13

Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1) - huyện Tuy Phong được đầu tư từ năm 2014 và đã hoàn thành vào năm 2019, nhưng đến nay nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn để được đầu tư vào khu này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư của tỉnh. Vậy tại sao các doanh nghiệp vẫn chưa thể vào Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư?

Khu sản xuất tôm giống công nghệ cao

Việc đầu tư Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (Khu sản xuất) xuất phát từ yêu cầu đảm bảo sự phát triển ổn định sản phẩm lợi thế tôm giống Bình Thuận, sau khi Chính phủ có chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (năm 2007) trên vùng quy hoạch sản xuất tôm giống Vũng Mũ I và Vũng Mũ II tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Khu sản xuất có tổng diện tích 153,67 ha được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2009 và được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục dự án Trung ương đầu tư bằng vốn ngân sách tập trung do Bộ quản lý và phê duyệt đầu tư dự án. Do khó khăn về cân đối vốn bố trí, nên Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án Khu sản xuất (giai đoạn 1) với quy mô 90 ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 127 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng và trang thiết bi ̣gần 93 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 34 tỷ đồng.

img_9386.jpg
Kiểm tra bể ương tôm giống

Khu sản xuất (giai đoạn 1) đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thành đầu tư các hạng mục hạ tầng, bàn giao, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào khu sản xuất giống tập trung phải đáp ứng tiêu chí công nghê ̣cao, diện tích tối thiểu từ 2 ha trở lên, công suất tối thiểu đạt 250 triệu post trở lên. Đồng thời, các dự án đầu tư phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và quy định về trình tự giải quyết thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các tổ chức đăng ký đầu tư vào Khu sản xuất phải lập dự án đầu tư sản xuất giống theo tiêu chí công nghệ cao.

Đến nay, có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh thống nhất vi ̣trí thực hiện thủ tục đầu tư, lập dự án đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao để xem xét, giải quyết cho thuê đất đầu tư với tổng diện tích 27,5 ha, chiếm khoảng 55% diện tích đất bố trí cho doanh nghiệp thuê đất trong Khu sản xuất. Trong đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cơ sở sản xuất tôm giống công ̉̉̉̉nghệ cao, đã ký quỹ đầu tư số tiền hơn 3 tỷ đồng và đang thực hiện thủ tục thuê đất để triển khai dự án. Công ty TNHH Sản xuất tôm giống Nam Trung Bộ đã nộp hồ sơ đăng ký đầu tư và dự án đã được thẩm định đạt tiêu chí dự án đầu tư sản xuất tôm giống công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng; các doanh nghiệp còn lại chưa nộp hồ sơ đăng ký đầu tư.

Vướng mắc về quy định đấu giá quyền sử dụng đất

Tuy nhiên, đến nay Khu sản xuất này chưa thực hiện cho thuê đất với bất cứ doanh nghiệp nào. Lý do được ngành chức năng giải thích là, cần rà soát việc cho doanh nghiệp thuê đất không thông qua đấu giá theo Đề án 504 để đảm bảo thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, việc xây dựng phương án thu tiền sử dụng hạ tầng của các doanh nghiệp đầu tư vào khu sản xuất này chưa hoàn thành, do còn vướng công tác quyết toán công trình phần kinh phí địa phương. Việc chậm giải quyết các dự án thứ cấp đầu tư cơ sở sản xuất trong khu sản xuất tập trung, dẫn đến chậm phát huy kết cấu hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư từ vốn ngân sách.

Theo UBND tỉnh, việc xem xét, giải quyết dự án của các doanh nghiệp vào Khu sản xuất còn vướng mắc về quy định đấu giá quyền sử dụng đất. Căn cứ theo quy định tại Điều 110, 118 Luật Đất đai 2013 và Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thì các dự án đầu tư sản xuất tôm giống tại địa bàn huyện Tuy Phong (thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư) là thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, dự án Khu sản xuất này được Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu bằng vốn ngân sách nhà nước và đáp ứng điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, cần rà soát kỹ việc cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp (thứ cấp) vào Khu sản xuất nêu tại Đề án 504 để thực hiện đúng quy định.

Vừa qua, việc giải quyết dự án thứ cấp đầu tư vào Khu sản xuất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng đang gặp vướng mắc tại một số địa phương (Khánh Hòa, Quảng Ninh). Vào ngày 8/9/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận trao đổi kinh nghiệm về thực hiện thủ tục đất đai đối với các dự án của 2 tỉnh này. Theo đó, do cùng có vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật về thủ tục giao, cho thuê đất trong khu sản xuất giống thủy sản tập trung, nên lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất giao Sở NN&PTNT cùng với các sở, ngành chuyên môn tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn chuyên môn về thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư vào Khu sản xuất. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang gởi dự thảo văn bản lấy ý kiến các sở và UBND huyện Tuy Phong trước khi trình UBND tỉnh gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường.

5 doanh nghiệp được UBND tỉnh thống nhất lập dự án đầu tư: Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc, diện tích 13,85 ha. Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, diện tích 13,76 ha. Doanh nghiệp tư nhân Chế biến hải sản Sang Hợp, diện tích 2,74 ha. Công ty TNHH Thủy sản Đại Phúc Thịnh, diện tích 2,39 ha. Công ty TNHH Sản xuất tôm giống Nam Trung Bộ diện tích 4,35 ha.

MINH VÂN

Related articles
Bình Thuận sắp có trại sản xuất tôm giống công nghệ cao
BTO- UBND tỉnh vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thực hiện dự án xây dựng trại sản xuất tôm giống công nghệ cao. Được biết, dự án này sẽ được thực hiện tại Lô số 1, 2, 3 – Tiểu khu 1 – Khu sản xuất giống thủy sản tập trung (Giai đoạn 1) – xã Chí Công – huyện Tuy Phong. Diện tích sử dụng hơn 137 ha với tổng vốn đầu tư 460 tỷ đồng. Theo đó, mục tiêu của dự án sẽ sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao với công suất 5 tỷ con giống/năm.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao các doanh nghiệp chưa thể vào Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công?