Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học 2 buổi/ngày

05/03/2023, 09:21

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến giáo viên ở các trường tiểu học về chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học 2 buổi/ngày.

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đánh giá:

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Bộ GDĐT ban hành năm 2018 nêu rõ: “Cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần”.

Tuy nhiên, thông tư về định mức giáo viên hiện nay mới chỉ có tối đa là 1,5 giáo viên/lớp. Vậy nếu chương trình mới quy định việc dạy học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì nhà trường không đủ đội ngũ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày nên phải thu hỗ trợ từ phụ huynh trả cho giáo viên tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo chưa được hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành liên quan bằng văn bản để có cơ sở pháp lý chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục thực hiện từ nguồn ngân sách hay việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Suy xét thực tế “Khi học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì đồng nghĩa với việc cả 2 buổi học sinh tiểu học tại trường công lập phải được miễn học phí.

Chương trình mới bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày, trung bình mỗi ngày sẽ có 7 tiết học, 1 tuần là 35 tiết,cộng với công tác chủ nhiệm 2 buổi/ngày thì số lượng tiết dạy theo tuần sẽ là 41tiết. Nếu chia theo định mức mỗi giáo viên không dạy quá 21 tiết/tuần thì cần tới 1,8 GV/lớp.

Về lâu dài là không thể thu kinh phí của cha mẹ học sinh tiểu học để dạy học buổi 2 nữa vì như thế là không đúng tinh thần của việc miễn học phí với tiểu học đã được luật định.

Bộ GDĐT chỉ có thể ban hành chương trình và hướng dẫn tổ chức thực hiện, còn đầu tư nguồn lực thì phải là trách nhiệm và sự quan tâm của các địa phương, kể cả việc tuyển dụng biên chế và ngân sách.

Qua quá trình rà soát thì hiện nay, đời sống của người dân ở một số địa phương vẫn còn khó khăn. Nguồn xã hội hóa được huy động chủ yếu đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy và học cho trường.

Cha mẹ học sinh phải đóng tiền bán trú hàng tháng cộng thêm tiền học buổi thứ hai là quá sức đối với những người dân lao động phổ thông. Để các trường tiểu học có cơ sở pháp lý xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học là cần thiết và cấp bách cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 năm học 2022-2023.

Từ những phân tích trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 2 giải pháp để giáo viên lựa chọn.

a) Giải pháp 01: Giữ mức thu như hiện nay, trường tiểu học xây dựng các mức thu dựa trên thỏa thuận với cha mẹ học sinh, phù hợp điều kiện nhu cầu thực tế của nhà trường và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương (Cần có hướng dẫn từ Bộ GDĐT).

b) Giải pháp 02: Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học - Vận dụng Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Nguồn kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học quy định tại Nghị quyết này được bố trí trong dự toán ngân sách chi thường xuyên phân bổ hàng năm cho các cơ quan, địa phương, đơn vị theo phân cấp quản lý các cơ sở giáo dục.

PHAN TUYẾT

Related articles
Kỹ năng sống - kiến thức cần “bỏ túi” cho trẻ em
Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong cả nước vào đầu năm 2023 với nạn nhân là trẻ em đều cho thấy các em đang quá thiếu về kỹ năng sống (KNS), kỹ năng mềm để xử lý, giải quyết, thích nghi với cuộc sống.

(4) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học 2 buổi/ngày