Siết chặt khai thác khoáng sản để đảm bảo công bằng trong kinh doanh

21/07/2022, 05:56

Nạn khai thác khoáng sản trái phép đang dần được đẩy lùi, nhưng đâu đó vẫn còn hoạt động lén lút. Người dân mong muốn ngành chức năng siết chặt hơn để đảm bảo an ninh trật tự, không ảnh hưởng môi trường, hư hỏng đường sá và ai cũng bán giá khoáng sản như nhau.

img_20190522_111654.jpg
Hiện trường một trong vụ khai thác khoáng sản trái phép.

Không lậu, khó lời

Vì siêu lợi nhuận, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép gồm đất, cát, sỏi, đá xây dựng và bồi nền, sẵn sàng thực hiện mọi thủ đoạn để trục lợi gây ra nhiều hệ lụy. Đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, ngoài một bộ phận người dân trang bị phương tiện vận tải lén lút khai thác chở đi bán cho người có nhu cầu, thì không ít cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng cũng lén lút hoạt động bằng nhiều hình thức mua bán khác nhau. “Nghề kinh doanh vật liệu xây dựng như gạch, xi măng, sắt thép, cát... chủ yếu đi mua về bán lại, không có lời bao nhiêu... Nếu không có mánh khóe trà trộn khoáng sản lậu, như cát, đá, sỏi, thì khó có lời”, Ng.H, người nhiều năm kinh doanh vật liệu xây dựng ở một huyện, nay đã chuyển sang nghề khác chia sẻ.

Trên địa bàn tỉnh, hầu như huyện, thị nào cũng có điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép.

img_20190428_153423.jpg
Xe chở khoáng sản lậu bị xử lý

Những năm gần đây, Đoàn kiểm tra liên ngành về khoáng sản của tỉnh phối hợp với các huyện, thị nỗ lực vào cuộc siết chặt quản lý. Qua đó liên tục bắt và “điểm mặt” những đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt với số tiền lớn.

Động thái này nhằm một phần trong nỗ lực xóa nạn khai thác khoáng sản trái phép theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Giữa lúc người dân bức xúc kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri và “nóng” trong các phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản là trong số đó. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tài nguyên Môi trường tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi… Theo đó, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề nghị các địa phương, các bộ liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38, tiếp tục ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản. Đến nay nhiều tỉnh, thành ký kết quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Trong đó, Bình Thuận đã phối hợp với tỉnh Đồng Nai ban hành quy chế phối hợp nhằm ngăn chặn tình hình khai thác cát sông trái phép trên sông La Ngà.

Ủng hộ siết chặt

Những nỗ lực ấy được nhân dân đồng tình ủng hộ, vì có như vậy tài nguyên khoáng sản mới không bị “chảy máu”. Việc siết chặt trên cũng nhận được sự đồng tình của các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó có không ít doanh nghiệp cũng đang "núp bóng" kinh doanh khoáng sản trái phép. “Bọn em phải làm vậy thì mới có lời, còn không thì phá sản!. Em cũng mong ngành chức năng làm mạnh tay để tạo sự công bằng, không bị bán phá giá, bởi người đi khai thác lậu giá nào họ cũng bán", D và T – 2 người kinh doanh vật liệu xây dựng ở Phan Thiết bộc bạch. Tỏ ra khá rành các điểm nóng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, D và T chia sẻ thêm: Gần đây các cấp, ngành chức năng quản lý rất chặt về khoáng sản, bắt nhiều vụ và phạt rất cao, nên tụi em không dám núp bóng, dùng mánh khóe hoạt động nữa.

Cách thức khai thác khoáng sản trái phép bây giờ rất tinh vi, ngoài chọn lựa thời gian thuận lợi vào ban đêm, buổi trưa, ngày nghỉ... né tránh ngành chức năng phát hiện, họ còn xóa không để lại dấu vết. Điều này khó cho ngành chức năng quản lý, nhưng “con voi không dễ dàng chui lọt lỗ kim”, khi hàng ngày những chiếc xe tải chở khoáng sản lậu vẫn lén lút hoạt động trên đường. Đây cũng là điều mà người dân và thậm chí cả các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng mong muốn ngành chức năng quản lý chặt, xử lý nghiêm.

img_20190404_085816_1.jpg

Chỉ đạo tại cuộc họp với Sở Tài nguyên Môi trường mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng lưu lý: “Nhu cầu sử dụng cát xây dựng, đất bồi nền tăng cao dễ xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện, thị cần phải tăng cường công tác này, mở nhiều đợt ra quân kiểm tra, chấn chỉnh khai thác khoáng sản trái phép, để không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản".

#####r

NINH CHINH

Related articles
Tánh Linh: Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm trong khai thác khoáng sản
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Tánh Linh đã tổ chức các đợt kiểm tra, qua đó tiếp tục phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siết chặt khai thác khoáng sản để đảm bảo công bằng trong kinh doanh