Sáng kiến kinh nghiệm với danh hiệu chiến sĩ thi đua

26/07/2024, 05:51

Bước vào những ngày nghỉ hè vừa qua, nhiều thầy cô từ trường trung học cơ sở đến trung học phổ thông tất bật chạy nhờ trường bạn xác nhận kết quả áp dụng sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) để đưa vào hồ sơ xét danh hiệu thi đua cá nhân.

Quý thầy cô bảo rằng, viết SKKN để nhờ chuyên môn đơn vị bạn xác nhận hiệu quả vận dụng đúng ra cấp trên phải thông báo ngay từ đầu năm học, để giáo viên có thời gian lên kế hoạch liên kết chuyên môn với các trường nhờ áp dụng thể nghiệm, cuối năm học mới có cơ sở rút ra nhận xét, đánh giá hiệu quả chính xác. Còn năm nay, đến cuối năm học mới thông báo yêu cầu người viết SKKN phải nhờ chuyên môn trường bạn xác nhận hiệu quả ứng dụng, nếu không, SKKN sẽ không được thừa nhận. Vì thế mới có hiện tượng những thầy cô viết SKKN vội vàng chạy từ trường này sang trường khác để nhờ. Nhưng vào thời điểm cuối năm học, trường bạn đâu có điều kiện thể nghiệm mà xác nhận! Tất cả rơi vào tình trạng đối phó.

giao-vien.jpg
Ảnh minh họa.

Viết một SKKN phải có quá trình tích lũy. Sáng kiến là ý kiến mới từ trong công việc do mình nghĩ ra, không bắt chước ai, có tác dụng làm cho công việc tiến hành tốt hơn; còn kinh nghiệm là những việc đã làm và đã có kết quả hoặc rút ra được kết luận để có thể áp dụng vào các lần sau nếu lại rơi vào hoàn cảnh công việc tương tự, nhằm phát huy được mặt tốt và khắc phục được mặt chưa tốt(*). SKKN là sự đúc rút trong quá trình lao động, sáng tạo, nghiên cứu, thể nghiệm có hiệu quả trong chuyên môn nghề nghiệp. Muốn xác định được giá trị SKKN cần có sự đánh giá mang tính khách quan, khoa học, tức kết hợp đánh giá trong (của bản thân) và đánh giá ngoài, tức nhờ chuyên môn của đơn vị khác hợp tác, thể nghiệm, xem kết quả tác dụng như thế nào. Viết được một SKKN đúng nghĩa phải có quá trình đầu tư, chứ năm học nào cũng buộc giáo viên phải có một SKKN có giá trị đúng nghĩa quả là vấn đề phi thực tế – trừ những người thực sự tài năng.

Từ hiện tượng trên, tôi nhớ hồi tháng 12/2023, có đọc một bài đăng trên giaoduc.net.vn – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chạy hàng tít rất ấn tượng: “Từ 1/1/2024, không bắt buộc có sáng kiến kinh nghiệm khi xét Chiến sĩ thi đua” – “đạt tiêu chuẩn có sáng kiến là một lợi thế nhưng không bắt buộc phải có khi xét một số danh hiệu thi đua, khen thưởng”. Bài viết căn cứ vào Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022.  

Trong mấy chục năm qua, nhiều thầy cô giáo rất tích cực trong giảng dạy, chủ nhiệm, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện – thành phố, cấp tỉnh, công tác tốt, được đồng nghiệp tin tưởng, tín nhiệm cao, nhưng không được cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, vì thiếu SKKN. Nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng 2022, tại Điều 23, cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là những người đạt các tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đây là niềm vui cho thầy cô giáo tâm huyết với nghề, bởi SKKN không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Họ đang chờ ngành giáo dục nghiên cứu vận dụng thực hiện.

Tuy nhiên, một thực tế bình xét có mấy vấn đề tế nhị. Những giáo viên không kiêm nhiệm các chức vụ, đoàn thể trong nhà trường cũng rất khó có thể đạt được danh hiệu này, vì số lượng bình chọn Chiến sĩ thi đua đơn vị cơ sở bị khống chế tỷ lệ phần trăm, số lượng đạt rất khiêm tốn. Nên khi bình xét phải có sự lựa chọn, khi đó người có SKKN được xếp loại đạt giải sẽ nổi trội hơn người không viết hoặc không có SKKN đạt giải…

Tôi nói tế nhị là những thành viên ngồi trong hội đồng bình chọn thi đua khen thưởng của nhà trường là các thành viên trong Ban giám hiệu; tổ trưởng chuyên môn; chủ tịch công đoàn; Đoàn - Đội. Những người có mặt sẽ có nhiều lợi thế trong việc phân tích ưu điểm, hạn chế để đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên. Nếu thực hiện bình xét thiếu công tâm, không khách quan, sự bất công năm học này càng cao hơn những năm trước, bởi thầy cô trong Ban giám hiệu không cần viết SKKN vẫn nghiễm nhiên đủ điều kiện để xét đạt danh hiệu thi đua.

Từ việc bình xét danh hiệu thi đua của ngành, làm sao để có sự tác động tích cực, khích lệ, động viên đúng mực với công sức để tạo niềm tin cho thầy cô giáo trong từng năm học lại là trách nhiệm nặng nề của lãnh đạo nhà trường.

Nguồn tham khảo: https://giaoduc.net.vn/khong-c...

(*): Theo Từ điển mở - Hồ Ngọc Đức, Từ điển Trần Văn Chánh.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Trường Đại học Phan Thiết: Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2024
Thông tin từ Trường Đại học Phan Thiết, nhà trường vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2024 của 15 ngành đào tạo dựa theo 3 phương thức xét tuyển đại học hệ chính quy, bao gồm: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kết quả học tập ở bậc THPT (học bạ), kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng kiến kinh nghiệm với danh hiệu chiến sĩ thi đua