Sẵn sàng cho lễ hội dinh Thầy Thím

07/10/2022, 06:05

Lễ hội văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím năm nay được diễn ra trong 3 ngày 9, 10, 11/10 (tức nhằm ngày 14, 15 và 16/9 âm lịch) tại Di tích lịch sử - văn hóa dinh Thầy Thím xã Tân Tiến, thị xã La Gi với nhiều phần lễ truyền thống, phần hội mang đậm dấu ấn văn hóa miền biển.

z3777272267823_598a100d6aa165b559be41577a3134f1.jpg

Hoành tráng và đẹp hơn

Theo quan sát những ngày trước khi diễn ra khai mạc lễ hội, tại khu vực dinh, công tác chuẩn bị được thành viên ban quản lý và 7 chi hội chia nhau phụ trách thực hiện công đoạn cuối cùng sẵn sàng chào đón du khách. Con đường dẫn khách hành hương đến dinh Thầy Thím được trang trí băng rôn, khẩu hiệu chào đón du khách đến với lễ hội, hàng trăm cờ đuôi cá, cờ dây đã được giăng treo dọc các tuyến đường dẫn vào khu di tích, đường vào khu vực mộ Thầy Thím… Đường vào dinh cũng được các tiểu thương sắp xếp gọn gàng để phục vụ khách hành hương mua sắm trong những ngày diễn ra lễ hội.

z3777272281194_0d4bbf80160349e293d8eada61372a98.jpg
Lễ hội dinh Thầy Thím. Ảnh: N.Lân

Ông Nguyễn Văn Hai - Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím cho biết: “Điểm khác biệt ở lễ hội năm nay chính là lễ khai mạc sẽ diễn ra từ 16h30’ - 18h30’, ngày 9/10/2022. Vì lý do thời tiết cũng như mong muốn được tiếp đón khách mời ở nơi xa đến dự lễ được chu đáo; đồng thời, khách hành hương, nhân dân khu vực có nhiều thời gian tham gia chương trình sau lễ khai mạc hơn. Do đó, năm nay Ban tổ chức quyết định chọn lễ khai mạc diễn ra buổi chiều, mọi năm diễn ra vào buổi tối. Ngoài ra, khu trưng bày sự tích Thầy Thím cũng được cho làm mới theo hướng hoành tráng, đẹp hơn... giúp du khách thưởng lãm và hiểu rõ hơn về sự tích Thầy - Thím...”.

Lễ hội văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím không đơn thuần là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, khắc ghi công đức của các bậc tiền nhân, thu hút hàng ngàn khách thập phương đến viếng Thầy Thím và tham gia các hoạt động của lễ hội. Đây là một trong những lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn bảo tồn, phát triển để phục vụ du lịch ở địa phương. Ngày 12/1/2022, lễ hội dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tìm sự thanh thản cho tâm hồn

Thời điểm này, hình ảnh khách hành hương từ mọi miền đất nước cũng đã tập trung về dinh Thầy Thím để viếng, dâng hương tưởng nhớ công đức Thầy Thím, tìm hiểu về lịch sử đức độ của Thầy Thím. Đến với lễ hội khách thập phương cầu mong bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình, xin lộc Thầy, phóng sanh thả chim về rừng, cùng làm công tác từ thiện... cũng là cách thế tạo dựng niềm tin, tìm sự thanh thản cho tâm hồn.

Ngay từ những ngày đầu tháng 10, Ban tổ chức đã bố trí lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn cho khách hành hương, công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, hạn chế tối đa việc ăn xin… Các điểm đến, khách sạn, nhà nghỉ nơi gần dinh cũng được quán triệt về giá cả để không ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thị xã La Gi. Trong các ngày diễn ra lễ hội, ban quản lý dinh còn đầu tư riêng biệt khu vực sinh hoạt cộng đồng, có thể đáp ứng các nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi sức chứa 150 người cũng như vận động nhà tài trợ phục vụ cơm trong 2 ngày chính diễn ra lễ hội…

Ngày hội sôi động

Từ các nghi lễ, khách hành hương có thể cảm nhận một cách rõ nhất những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, giá trị tâm linh, về cuộc đời Thầy Thím đã gắn bó mật thiết với mảnh đất Tam Tân ngày xưa và có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân lao động thị xã La Gi cho đến nay. Theo truyền thuyết: Ngày xưa, ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Tam Tân, một làng quê xa xôi, trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy - Thím… Sự tích Thầy - Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục.

thi-ganh-ca-nh-nl-3-.jpg.jpg
Thi gánh cá. Ảnh: N.Lân

Du khách khi đến lễ hội, tham quan quần thể thắng cảnh dinh Thầy - Thím còn được gặp nhiều di tích gắn với những truyền thuyết ấy như: Gốc cây Thầy ngồi đẽo thuyền, đường lướt ván, 4 ngôi mộ bằng cát trắng phau, tượng đôi Bạch Hắc Hổ ngồi chầu. Trong tiếng chuông trầm bổng như đưa du khách vào sâu thẳm của thế giới tâm linh, lễ hội có nhiều trò vui cuốn hút mọi người như: Thi đấu cờ người, hội thi kéo co, biểu diễn lân sư rồng; các hội thi làm bánh, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, đan lưới, chương trình ca múa nhạc, tạp kỹ... tạo nên tâm thế ngày hội thật vô cùng sôi động.

Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa dinh Thầy Thím ngày càng có sức mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng đông hơn. Với khung cảnh thiên nhiên, núi rừng, du khách sẽ không quên ghé thăm bãi biển Tam Tân để vùng vẫy, ngâm mình thỏa thích trong những cơn sóng bạc đầu, thưởng thức những hương sắc mặn mà tình nghĩa một vùng quê duyên hải trù phú và sôi động.

HỒNG CHÂU

Related articles
Tiếng bìm bịp kêu
Xa miền quê hơn ba mươi năm; hàng năm tôi đều được về thăm ông bà, cha mẹ, thăm quê hương Hàm Mỹ - Hàm Thuận Nam thân yêu. Một vùng đất vừa có ruộng đồng vừa có núi rừng; có cả dòng sông, con suối uốn quanh, nên tuổi thơ tôi với những từ “chim sa, cá lặn” nó gần gũi vô cùng và luôn sống dậy trong lòng mỗi khi nghĩ về quê hương.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẵn sàng cho lễ hội dinh Thầy Thím