Mới đây Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó cho biết UBND tỉnh nhiều lần tổ chức họp bàn, chỉ đạo, đôn đốc và yêu cầu các cấp ngành, đơn vị, địa phương tập trung trí tuệ, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm để xây dựng đồ án đạt chất lượng cao nhất. Bởi đây là đồ án rất lớn với quy mô diện tích trải dài trên nhiều địa bàn từ các phường Phú Hài, Hàm Tiến, Mũi Né và xã Thiện Nghiệp của TP. Phan Thiết đến các xã Hồng Phong, Hòa Thắng thuộc huyện Bắc Bình và thị trấn Phan Rí Cửa của huyện Tuy Phong. Đồng thời có nhiều nội dung phức tạp, đa ngành phải cập nhật ý tưởng, định hướng mới cũng như tham chiếu các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan nên quá trình tổ chức xây dựng nội dung gặp khó khăn, kéo dài so tiến độ quy định.
Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né được định hướng trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa)
Đến nay, đồ án cơ bản đã xác định định hướng quy hoạch khung cấu trúc phát triển không gian, phân khu chức năng, kết nối hệ thống hạ tầng của toàn khu vực và đáp ứng tính chất, mục tiêu, các yêu cầu nội dung theo nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo nội dung Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, diện tích lập quy hoạch là 14.760 ha gồm khu vực TP. Phan Thiết khoảng 6.625 ha, khu vực huyện Bắc Bình là 7.165 ha và khu vực huyện Tuy Phong khoảng 970 ha… Việc quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng hướng đến chức năng hình thành trung tâm du lịch gắn với phát triển đô thị tại khu vực với động lực phát triển chính là du lịch.
Đối với định hướng phát triển các khu chức năng trong ranh giới quy hoạch có 4 phân khu, trong đó Khu đô thị du lịch Phú Hài - Hàm Tiến (quy mô diện tích hơn 1.900 ha) với tính chất là trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển quốc gia, đẳng cấp quốc tế. Vì vậy phân khu này sẽ hướng đến khai thác lợi thế phát triển các khu đô thị gắn với dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, tài chính, ngân hàng... Trong khi Khu đô thị du lịch Mũi Né - Du lịch nghỉ dưỡng ven biển Nam Hồng Phong (diện tích gần 5.300 ha) được định hướng với tính chất là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển quốc gia, đẳng cấp quốc tế.
Với Khu trung tâm đô thị Hòa Thắng (khoảng hơn 6.125 ha) có chức năng là khu vực bảo vệ và phát huy giá trị danh thắng Bàu Trắng và các khu vực có cảnh quan tự nhiên đặc trưng “đồi cát”, sa mạc giữa lòng đô thị. Đây cũng là khu vực được định hướng phát triển đô thị du lịch mới, tập trung phát triển những tổ hợp khu đô thị du lịch đa năng gắn với sản phẩm du lịch cao cấp, độc đáo mà đặc biệt là nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí…
Còn Khu đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển Phan Rí Cửa (diện tích quy hoạch khoảng hơn 1.430 ha) có tính chất như khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, là khu vực phát triển mới của thị trấn Phan Rí Cửa và ưu tiên hình thành các viện nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục vụ du khách lưu trú dài hạn. Nơi đây được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp khai thác chế biến thủy hải sản, dịch vụ, du lịch có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc Bình Thuận.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) cũng đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An lưu ý quy hoạch phải hướng tới mục tiêu chiến lược là đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời yêu cầu cần bố trí không gian phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né phải đảm bảo thông thoáng, hiện đại, văn minh và xanh - sạch - đẹp, hấp dẫn… Nhất là chú ý ưu tiên các không gian công cộng dành cho người dân địa phương lẫn du khách, trong đó quan tâm bố trí ở cả ven biển và bên trong khu vực quy hoạch.
Tới đây, UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương bổ sung, hoàn thiện đồ án quy hoạch trước khi báo cáo HĐND tỉnh thông qua, tiếp đó gửi Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.