Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19: Sách đáng đọc

01/12/2021, 07:00

BT- “Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19” – do nhà kinh tế học Joshua Gans viết, rất đáng để bất cứ ai quan tâm đến đại dịch này tìm đọc.

Chắc có nhiều người đã từng nghe câu chuyện sau đây. Chuyện kể rằng, một thợ thủ công chế tác được bàn cờ tuyệt mỹ. Người này đem tặng vua và vua thích ngay lập tức. Để đáp lại tấm lòng của người thợ, vị vua ngỏ ý tặng lại một món quà quý và cho phép người này tùy ý chọn. Người thợ vui vẻ từ chối tất cả những loại “cao sang”, ông chỉ xin vua gạo về cho dân làng ăn. Ông khiêm tốn nói, chỉ cần nhà vua cho 1 hạt vào ô thứ nhất của bàn cờ; ô thứ 2 cho gấp đôi ô thứ nhất; ô thứ 3 gấp đôi ô thứ 2; và cứ thế cho đến ô cuối cùng là ô thứ 64. Vị vua bật cười lớn, coi đó là “chuyện nhỏ”. Nhưng thực tế, không phải vậy. Hãy tính theo “bài toán” đưa ra của người thợ:  1 + 2 + 4 +…+ 9.233.372.036.854.755.808 (ô thứ 64) = 18.446.744.073.709.551.615 (hạt gạo) – một con số khó có thể đọc trôi. Và nếu cân số hạt gạo đó, sẽ có con số khổng lồ về trọng lượng.

Tác giả của “Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19” bắt đầu câu chuyện ngụ ngôn cổ như vậy trong một chương phân tích về chống dịch để bạn đọc hình dung, nếu như việc phong tỏa chậm (dù chỉ một ngày), con số người bị lây nhiễm vi rút sẽ cực lớn; thậm chí lớn đến mức không thể hình dung như con số hạt gạo trên bàn cờ càng về sau mà vị vua phải cho người thợ thủ công vậy.

“Các chính phủ phải đối mặt với một tình thế khó khăn thật sự khi nào nên thực hiện giãn cách xã hội? Và mức độ của nó nên là thế nào? Vấn đề ở đây không có gì là chắc chắn cả”, giáo sư Joshua Gans viết và cho biết, không một quốc gia nào, kể cả Mỹ, Anh hay Pháp không lúng túng trước cơn đại dịch chưa có tiền lệ này.

Một sự “đấu tranh” cần có thái độ nhanh chóng, dứt khoát giữa kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ mạng sống con người hay chấp nhận một tỷ lệ người chết vì bệnh để giữ lấy kinh tế? Tất cả được tiến sĩ Joshua Gans phân tích theo góc nhìn của một nhà kinh tế học hàng đầu. Và cho dù nhìn đại dịch theo hướng “tạo ra của cải” thì “chúng ta đều biết phải làm gì để đưa nền kinh tế của chúng ta trở lại với cuộc sống. Nhưng chúng ta không biết làm gì để mọi người sống lại”. Joshua Gans  đã dẫn lời Tổng thống Ghana – William Addo Dankwm “Nana” Akufo- Addo để bảo vệ luận điểm “con người là vốn quý nhất”.

Giáo sư Gans còn nhận định, ngay cả vấn đề vắc xin – được xem là cứu cánh để đưa xã hội trở về trạng thái “bình thường mới” cũng không phải quốc gia nào cứ muốn là có.

“Mọi thứ thật khủng khiếp. Vi rút thật khủng khiếp. Những lựa chọn tức thì khủng khiếp. Tương lai thậm chí có thể còn khủng khiếp hơn”, Joshua Gans thốt lên như vậy trong tác phẩm của mình.

Cũng bằng góc nhìn kinh tế học, ông nêu ra hướng phục hồi kinh tế, khôi phục lại cuộc sống bình thường, cả về khía cạnh xã hội lẫn kinh tế một cách vĩ mô mà bất cứ quốc gia nào cũng có thể nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn. “Tôi hạn chế việc đánh giá, có nghĩa là cuốn sách không có yếu tố chính trị, không có lời tán thưởng cho những chính sách tốt nhất hay chê bai cho những điều tồi tệ nhất. Đối với những độc giả nào đang tìm kiếm điều này, xin các bạn hãy tìm đọc ở nơi khác”. Joshua Gans thẳng thắn quan điểm.

Sách có 8 chương, lần lượt là: Sức khỏe là vàng – Những bất ngờ có thể dự đoán – Sẵn sàng chiến đấu – Lần này, tình hình thật sự khác biệt – Nền kinh tế xét nghiệm – Tái xuất hiện – Phục hồi sự đổi mới – Tương lai.

Dù sách chỉ có hơn 300 trang nhưng giáo sư đã nghiên cứu, sử dụng, tập hợp đến 118 nguồn tư liệu từ sách, tài liệu, báo và cả mạng xã hội. 

Giáo sư, tiến sĩ Joshua Gans khẳng định, sẽ có một ngày thế giới tuyên bố chiến thắng đại dịch nhưng chiến thắng đó phải đi kèm với sự cảnh giác: “Bất kỳ chiến thắng nào chúng ta có được trong vòng 2 năm tới cũng cần phải đi kèm với một cảnh báo. Ta phải giữ tập trung. Và nếu bạn cần bất kỳ bài học nào từ lịch sử, hãy nhớ rằng các tổ chức như IMF (Quỹ tiền tệ thế giới) hoặc Liên Hiệp Quốc không hề hiện hữu, cho đến khi chúng ta không những phải trải qua một, mà là hai cuộc chiến tranh thế giới”.

Nhà kinh tế học Joshua Gans viết “Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19” vào tháng 3/2020, khi đó, châu Âu và Mỹ mới bùng phát dịch lần đầu. Nhưng khi đọc xong tác phẩm thấy những gì Việt Nam đang làm để chống dịch, để phục hồi kinh tế khá sát với “giáo khoa” này.

Người làm công tác chống dịch ở địa phương nên đọc, từ đó đối chiếu lại với các văn bản chỉ đạo chống dịch từ cấp trên để thêm cơ sở vững chắc.

Một cá nhân nào đó cũng có thể đọc để nghiệm ra một điều gì đó hữu ích cho bản thân mình qua một cơn đại dịch mà có thể cách sống sẽ phải khác… 

Joshua Gans là giáo sư về Quản lý Chiến lược, kiêm Chủ tịch của Trung tâm Đổi mới kỹ thuật và Tinh thần Kinh doanh tại Trường Quản lý Rotman, Đại học Toronto. Ông là người sáng lập khoa Quản lý (Nền kinh tế thông tin) tại Trường kinh doanh Melbourne, Đại học Melbourne. Ông cũng từng là nhà nghiên cứu khách mời tại Microsoft Research (New England)…

HÀ NAM PHONG


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19: Sách đáng đọc