Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước. Phát triển hợp lý về quy mô của từng lĩnh vực, tập trung vào khai thác hải sản xa bờ, bảo quản, sơ chế sản phẩm và các dịch vụ hậu cần nghề cá, là trung tâm cứu nạn, cứu hộ, xử lý các sự cố, tình huống khẩn cấp, cứu nạn trên biển nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đồng thời, đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30 m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn (của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có tàu cá hoạt động trên ngư trường vùng biển Bình Thuận và các khu vực biển lân cận). Đảm bảo năng lực tập kết, bốc dỡ, phân loại, trung chuyển và dịch vụ tiêu thụ trong, ngoài ngoài tỉnh thông qua cảng cá đạt khoảng 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tối đa tổn thất sản phẩm sau khai thác, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị thủy sản khai thác.
Bên cạnh đó, sẽ góp phần kiểm soát, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), chấm dứt tình trạng tiêu thụ hải sản tại các bến tạm trên đảo, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.
Tầm nhìn đến năm 2045, đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại ngang tầm với các trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực và trên thế giới, tích hợp, gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác, nuôi biển, nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác và vận tải trên biển, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Theo đó, sẽ xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác. Đầu tư, xây dựng hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão an toàn cho tàu cá và ngư dân tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản tại ngư trường Nam Trung Bộ, Trường Sa, DK1, giúp giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và phương tiện hoạt động nghề cá góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Ngoài ra, sẽ xây dựng hệ thống nhà ở lưu trú cho ngư dân khi tàu vào neo đậu tránh trú bão hoặc gặp các sự cố trên biển được cứu hộ, cứu nạn về đảo. Xây dựng, giữ gìn và phát triển khu văn hóa, giải trí kết hợp dịch vụ du lịch trên đảo gồm khu văn hóa, giải trí, thể dục thể thao; khu sinh hoạt cộng đồng; khu vực truyền thống tâm linh (khu vực lễ hội ngày mở biển, thờ cúng Ngư ông)… Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ cứu nạn theo quy định cho Trạm tìm kiếm cứu nạn trên đảo Phú Quý trở thành trung tâm cấp vùng.
Đặc biệt, góp phần kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, chống khai thác IUU thông qua việc áp dụng các giải pháp về khoa học, kỹ thuật, công nghệ chuyển đổi số như: đầu tư hệ thống camera giám sát tại các cảng cá, giám sát hành trình tàu cá và hệ thống cơ sở dữ liệu tại các cảng cá...; chia sẻ, kết nối đồng bộ với các hệ thống giám sát, quản lý nghề cá của tỉnh, quốc gia và các đơn vị liên quan…
Ngân sách trung ương bố trí theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản để đầu tư, hỗ trợ đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Huy động nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA của các nhà tài trợ và nguồn vốn xã hội hóa theo quy định để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng cảng cá đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và đầu tư khu neo đậu tránh trú bão để phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm xem xét việc phê duyệt, tổ chức triển khai các dự án ưu tiên nêu trên theo quy định pháp luật, bảo đảm hiệu quả, khả thi, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp bố trí nguồn lực, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của Đề án, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tuân thủ đúng quy định pháp luật.