Bà Trần Thị Đình Hương – Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Tân cho biết: Để thực hiện được những điều đó thì vấn đề quan trọng là phải làm cho cán bộ Hội các cấp hiểu đầy đủ về vai trò, quyền, trách nhiệm của Hội, quy trình thực hiện giám sát, phản biện theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) thông qua các cuộc tập huấn chuyên đề giám sát, phản biện xã hội hàng năm. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc thực hành kịch bản giám sát theo quy trình và thực hành xây dựng các văn bản, kế hoạch, xây dựng một hệ thống văn bản mẫu theo quy trình giám sát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuộc giám sát để thống nhất trong toàn huyện.
Hội còn rà soát, nắm chắc các vấn đề bức xúc liên quan đến hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Lựa chọn nội dung, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp về chủ trương tiến hành giám sát, nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy để Hội LHPN thuận lợi trong hoạt động giám sát của mình, nhất là việc tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát trực tiếp...
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai, bà Trần Thị Đình Hương cho rằng: Khi tiến hành hoạt động giám sát, các cấp Hội cần chuẩn bị thật kỹ đề cương giám sát và gửi trước cho đối tượng được giám sát để đảm bảo sự chuẩn bị trọng tâm, sát với nội dung và có thời gian trao đổi cụ thể về những vấn đề chưa cụ thể, rõ ràng. Để tăng thêm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội, các cấp Hội phụ nữ đã chú trọng và mở rộng thành phần giám sát. Tùy theo nội dung mà mời thêm đại diện Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận, các phòng, ban liên quan. Hội LHPN huyện cũng phân công một đồng chí Thường trực Hội theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất đối với UBND, các phòng, ban, đơn vị để có kiến nghị tiếp theo.
Cũng nhờ vậy, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện Hàm Tân đã thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát đối với UBND huyện và các phòng ban của huyện. Tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện. Qua giám sát cấp huyện đã có 87 ý kiến kiến nghị, đề xuất với Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và các phòng ban, các đơn vị được giám sát.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn thực hiện tốt công tác phản biện xã hội, phát huy quyền dân chủ của hội viên, phụ nữ trong việc tham gia góp ý kiến về những chính sách của địa phương đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Nổi bật là tham gia phối hợp tổ chức phản biện thành công các kế hoạch của UBND huyện như kế hoạch thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn hàng năm, kế hoạch thực hiện các đề án, chính sách giảm nghèo các năm. Cấp cơ sở cũng tổ chức nhiều cuộc phản biện đề án bảo vệ môi trường, thu gom rác thải; phản biện dự thảo của UBND xã về việc lấy ý kiến vị trí di dời khu trung tâm hành chính xã; phản biện dự thảo kinh tế - xã hội năm 2024. Qua phản biện, các ý kiến đều được ngành chức năng tiếp thu, bổ sung, sửa đổi phù hợp và đã triển khai trong nhân dân, phát huy hiệu quả các chương trình, kế hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ phát huy quyền làm chủ theo dõi, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung, những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Nhờ đó, mối quan hệ xã hội của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội ngày càng thắt chặt, để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng.