Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 – HĐND tỉnh khóa XI: Chuyển đổi số và tiến độ công trình trọng điểm được đề cập tại nghị trường

12/07/2023, 15:26

Tại phiên họp sáng 12/7, HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban QLDA Nông thôn) tỉnh về thực hiện Dự án đường liên huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong; kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân.

cong-4.jpg
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đánh giá, phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành đi thẳng vào trọng tâm.

Chủ động triển khai chuyển đổi số

Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Theo các đại biểu quá trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS) đạt được những kết quả cụ thể nhưng vẫn chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, một số nội dung triển khai còn chậm, sự phối hợp các cấp, các ngành chưa đồng bộ… Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian đến?

img_1915(2).jpg
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thành Công trả lời chất vấn.

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT - TT) Võ Thành Công cho biết: Quá trình thực hiện CĐS chưa đáp ứng mục tiêu đề ra, nguyên nhân chủ yếu do nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn, hạn chế, nhất là các nhiệm vụ về xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, số hóa, phát triển các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung có phạm vi triển khai, sử dụng rộng.

Thêm vào đó, nguồn nhân lực có chuyên môn tham mưu triển khai các nhiệm vụ về CĐS chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có chính sách thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước… Giám đốc Sở TT-TT thừa nhận người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng, thiếu sự quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động CĐS tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Sở TT-TT chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ để là hạt nhân dẫn dắt CĐS của tỉnh.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Hồng Lợi nêu vấn đề: Phú Quý là địa bàn được chọn làm điểm CĐS, hiện hệ thống di động và cáp quang đã phủ khắp tuy nhiên đường truyền VNPT và Viettel ra đảo yếu. Vậy giải pháp khắc phục vấn đề này như thế nào?

Trả lời nội dung các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở TT-TT cho biết: Năm 2022, Bình Thuận xếp thứ 47/63 tỉnh, thành thực hiện CĐS. Hiện huyện đảo Phú Quý được Bộ TT-TT chọn làm điểm CĐS để rút kinh nghiệm các huyện đảo khác. Sở đang cùng các đơn vị tư vấn khảo sát hạ tầng và có giải pháp cụ thể để triển khai, hoàn thành trong năm nay...

Về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, thời gian qua, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo khá quyết liệt, tạo nền tảng thực hiện công cuộc CĐS của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, các sở, ngành chưa chủ động đề xuất triển khai xây dựng CSDL chuyên ngành trọng tâm để phục vụ CĐS, nhất là cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên CĐS. Nguồn kinh phí của tỉnh bố trí cho nhiệm vụ CĐS, nguồn nhân lực phục vụ CĐS chưa đáp ứng yêu cầu… Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh rà soát, bổ sung nhiệm vụ CĐS phù hợp trong từng thời điểm. Nâng cao vai trò của Sở TT-TT, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện. Cân đối vốn đầu tư công để triển khai các nhiệm vụ về CĐS giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với điều kiện ngân sách của tỉnh. Có thêm các giải pháp phổ cập kỹ năng số cho người dân cùng tham gia vào quá trình CĐS…

ong-thanh-hoang.png
Giám đốc Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh Phan Thanh Hoàng trả lời.

Tháo gỡ vướng mắc các công trình chậm tiến độ

Thêm một nội dung được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp, đó là Dự án kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân và đường liên huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong chưa hoàn thành. Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và dự kiến thời gian hoàn thành các dự án?

Trả lời nội dung này, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, ông Phan Thanh Hoàng – Giám đốc Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh cho biết, Dự án kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân được UBND tỉnh phê duyệt lần đầu năm 2009. Thời gian thực hiện được UBND tỉnh gia hạn đến hết năm 2022. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 449,152 tỷ đồng. Mục tiêu công trình là cấp nước sản xuất cho 1.500 ha đất nông nghiệp tại huyện Hàm Tân; cấp nước chưa qua xử lý cho 1.535,8 ha các khu công nghiệp. Trong đó, Khu công nghiệp Tân Đức 900 ha và bổ sung cho hồ Sông Dinh 3 để cấp cho Khu công nghiệp Sơn Mỹ II 635,8 ha. Theo ông Hoàng, nguyên nhân công trình vẫn chưa bàn giao đưa vào sử dụng là do tuyến kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân đã thi công hoàn thành và thông nước vào cuối tháng 12/2022. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều đợt mưa lớn gây sạt lở bờ kênh nhiều vị trí, làm lòng kênh bồi lắng. Hiện đơn vị thi công đang nạo vét lại lòng kênh tại những vị trí do mưa lũ bồi lắng cục bộ, san dọn bờ kênh đảm bảo mỹ quan để bàn giao công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

dai-bieu-loi(1).jpg
Đại biểu chất vấn

Giải pháp sắp tới, Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo nhà thầu tập trung thiết bị nạo vét lại lòng kênh, san dọn bờ kênh đảm bảo mỹ quan, tổ chức đo vẽ, lập hồ sơ hoàn công. Đồng thời báo cáo cơ quan chuyên ngành hoàn thành hạng mục công trình xây dựng nghiệm thu theo quy định và bàn giao đưa vào quản lý, khai thác sử dụng.

Chỉ đạo tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đánh giá, phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành đi thẳng vào trọng tâm, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để khắc phục, giải quyết các vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn. Theo đó, chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đức Linh, Tánh Linh và các sở, ngành liên quan khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ. Qua đó, tính phương án khả thi khi thu hồi đất để nâng cao trình nước của hồ Biển Lạc từ cao trình 108,8 m lên cao trình 112,5 m, đảm bảo tăng dung tích hồ Biển Lạc theo thiết kế được duyệt. Đồng thời, phát huy hiệu quả tuyến kênh Biển Lạc - Hàm Tân đã được đầu tư. Trước mắt là đầu tư trạm bơm để cấp nước cho huyện Hàm Tân qua tuyến kênh Biển Lạc - Hàm Tân đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Mặt khác, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy công tác chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai dự án hồ La Ngà 3 (dung tích hơn 400 triệu m3) là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho các huyện phía Nam, thị xã La Gi và các địa phương giáp ranh thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

ho.jpg
Kênh Biển Lạc - Hàm Tân

Song song, rà soát tính khả thi của dự án hệ thống kênh tiếp nước liên huyện phía Nam đảm bảo đồng bộ với tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đồng thời với hồ La Ngà 3. Trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh chuyển tuyến kênh tiếp nước liên huyện phía Nam sang giai đoạn đầu tư công 2026 - 2030; sử dụng nguồn vốn dự kiến bố trí dự án này trong giai đoạn 2021 - 2025 cho các công trình, dự án khác bức xúc hơn…

Về triển khai Dự án đường liên huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND huyện Bắc Bình rà soát, hoàn tất hồ sơ, thực hiện hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Tăng cường vận động, giải thích tạo sự đồng thuận của người dân, đảm bảo tiến độ thi công công trình.

KIỀU HẰNG - THÙY LINH

Related articles
Giải trình nguyên nhân chậm tiến độ công trình đường liên huyện
BTO-Một trong những nội dung được HĐND tỉnh chọn để chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại phiên họp sáng 12/7, đó là “Dự án đường liên huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong triển khai đầu tư nhiều năm nay, được gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và dự kiến thời gian hoàn thành các dự án?”

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 – HĐND tỉnh khóa XI: Chuyển đổi số và tiến độ công trình trọng điểm được đề cập tại nghị trường