Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS: Vẫn còn… đìu hiu

18/08/2016, 09:21

BT - Thời gian qua, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chính sách phát triển hạ tầng thương mại đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai cơ bản đáp ứng được yêu cầu, giúp nhân dân tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo có điều kiện mua bán, sản xuất, tiêu dùng và lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

         

Mở rộng mạng lưới

Công tác đầu tư phát triển hạ tầng thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo được quan tâm, phát triển bằng nhiều nguồn vốn chương trình quốc gia như: Chương trình 135, chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… Đến nay, ngoài một số xã đã có chợ, các xã còn lại đã xây dựng được 11 cửa hàng thương mại miền núi tại các xã: Phan Điền, Phan Tiến, Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Hàm Cần, Mỹ Thạnh, La Ngâu, Phan Dũng, Phan Sơn và Phan Lâm nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt dân cư tại địa phương. Về đầu tư theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, lồng ghép với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó có định hướng phát triển các chợ cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và huyện Phú Quý, đến nay đã có 69/96 xã có chợ phục vụ nhân dân trao đổi, mua bán, lưu thông hàng hóa. Về thực hiện đầu tư theo quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu đến nay đã có 70/96 xã đã có cửa hàng xăng dầu, 167 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng phân bổ đều tại các xã phục vụ nhu cầu về nhiên liệu, chất đốt cho sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, ngoài các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn; Trung tâm Dịch vụ miền núi sử dụng vốn ngân sách (cấp hoạt động hàng năm) thực hiện chương trình bình ổn giá tại 11 cửa hàng miền núi, các đại lý và tổ chức hàng lưu động giúp nhân dân tiếp cận được các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm có chất lượng với giá bằng hoặc thấp hơn giá ở khu vực thành thị. Riêng đối với các xã thuộc huyện đảo Phú Quý, hàng năm (từ đầu tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau) thực hiện theo kế hoạch bảo đảm dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho huyện đảo Phú Quý trong mùa thời tiết xấu…

Cần tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác trên vẫn còn những khó khăn, hạn chế như:  Đối với dự án mô hình thí điểm cao su: Sau thời gian dài (từ năm 2014 đến đầu năm 2016) giá cao su giảm sâu, lượng sản phẩm ký kết thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và hộ kinh doanh theo đó giảm mạnh, tuy nhiên Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận vẫn triển khai ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và hộ kinh doanh theo phương án thu mua theo hướng ưu đãi đối với khách hàng có giao dịch ổn định, lâu dài, cung cấp nhiều sản phẩm… đến nay giá cao su đã tăng khá trở lại, số lượng khách hàng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp luôn ổn định và tăng thêm.

Đối với dự án mô hình thí điểm thanh long: Việc đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng dựa vào cảm quan nên gây trở ngại trong việc thống nhất giá cả thu mua. Hơn nữa, do giá thị trường thường xuyên biến động nên trong hợp đồng năm giữa doanh nghiệp và người sản xuất không ghi giá cụ thể, hai bên cùng thống nhất là mua bán theo giá thỏa thuận vào thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên khi đến vụ thu hoạch, do nhu cầu nên có nhiều thương lái đã đẩy giá lên để tranh mua, người nông dân lựa chọn người mua có giá cao, dễ dãi trong phân loại… để làm cơ sở thương lượng giá với doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu. do vậy khi không thể đáp ứng với điều kiện của người sản xuất, doanh nghiệp buộc phải để người sản xuất bán hàng cho người mua giá cao. Trong thời gian qua, việc tiêu thụ thanh long trên địa bàn tương đối ổn định; dù không ký kết hợp đồng nhưng thanh long sản xuất ra đều được tiêu thụ hết… do đó việc khuyến khích và đẩy mạnh mua bán thông qua hợp đồng cũng gặp khó khăn; người sản xuất chưa nhận thức cao với cách làm mới để tạo sự ổn định, bền vững. Ngoài ra, các hợp tác xã, xã viên sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh cũng ít hăng hái tham gia mô hình này do không có hỗ trợ kinh phí trực tiếp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều hợp tác xã, tổ sản xuất thanh long VietGAP tham gia Dự án cạnh tranh nông nghiệp (Dự án ACP). Khi tham gia dự án này, các hợp tác xã, xã viên được hỗ trợ kinh phí tiền đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua vật tư, máy móc thiết bị… nên họ rất hăng hái tham gia.

Chúng tôi đi khá nhiều vùng đồng bào DTTS , vùng sâu, vùng xa vẫn thấy cảnh mua bán ở các vùng này khá đìu hiu, nhiều vùng bà con vẫn phải mua thực phẩm cá, rau từ những chiếc xe thồ của người Kinh mang lên bán. Chợ quê còn tạm bợ và các mặt hàng chưa phong phú, cần mua những thứ tốt hơn, phục vụ cho nhu cầu bà con vẫn phải về các chợ trung tâm huyện. Kết cấu hạ tầng chợ, cửa hàng xăng dầu tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo vẫn còn một số xã chưa có chợ, chưa có cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu mua bán, cung cấp nhiên liệu cho sản xuất, tiêu dùng. Để phục phụ tốt hơn cho đời sống bà con ở những vùng này cần sự đầu tư, quan tâm hơn nữa ở các cấp, các ngành…      

Hà Thu ThỦy


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS: Vẫn còn… đìu hiu