Phát triển du lịch nông thôn Hàm Thuận Bắc: Vướng mắc quyết định. Bài 1

18/09/2023, 07:10

Cùng vướng như các nơi khác khi đón dòng khách về tỉnh thời điểm thông tuyến cao tốc đến nay, Hàm Thuận Bắc còn vướng chỗ làm du lịch liên quan đến đất năng lượng. Điều đó diễn ra ở Đa Mi, nơi có 2 hồ thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi cũng là nơi trung tâm trong phát triển du lịch nông thôn ở huyện. Nhu cầu cần mặt nước để phát triển du lịch sinh thái, nông thôn trở nên bức thiết ở đây, khi ai biết chuyện cũng cảm nhận rằng nếu không chung sức giải quyết sẽ là sự lãng phí tài nguyên lớn.

Bài 1: Vùng cao vẫy gọi

Làn sóng khách bất ngờ        

Sự cố sạt lở ở Lâm Đồng mà cụ thể tại 2 trung tâm du lịch là TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc khiến Nhàn và nhóm bạn ở TP. Phan Thiết đã quyết định chơi lễ 2/9 ở Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc. Quả không phụ sự kỳ vọng ban đầu, cả nhóm ai cũng thích thú, khi lên đây khám phá và nhận ra lợi quá lớn là được hưởng không khí mát lạnh như Đà Lạt nhưng không phải đi xa, không tốn quá nhiều chi phí. “Lại còn tham quan 2 hồ nước huyền bí, ghé thác 9 tầng, thăm những vườn trái cây. Quang cảnh núi đồi, đèo dốc tạo bức tranh đẹp lạ khiến mấy đứa bạn cứ tấm tắc cảnh y như trong phim kiếm hiệp Trung Quốc!” - Nhàn nói hào hứng. Nhàn cho biết cả nhóm ở nhà người quen, sau khi rà hỏi chỗ nghỉ ngơi nhưng tuyệt nhiên không có. Lúc lên đây, đi theo quốc lộ 55 thì mới phát hiện là có 1 - 2 điểm nhưng không công khai, dạng homestay dành riêng cho khách thân tín hay gia đình. Các quán cà phê, điểm dừng chân có rải rác theo quốc lộ 55 nhưng đều tạm bợ. Thế nhưng, vẫn có đông khách ghé.

htb-1-.jpg.jpg
Những chòi câu cá trên hồ Đa Mi.

Có thể cũng tính toán đi chơi lễ như nhóm của Nhàn, dịp lễ 2/9 vừa qua, Đa Mi đông khách, bất chấp bị ảnh hưởng bão gây mưa bay gián đoạn nhưng nhìn chung là trời mát. Trên các tuyến đường ở xã miền núi này, xe con, xe khách từ các tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… tập trung về, nhộn nhịp trong 4 ngày lễ. Hình như du khách khoái cảm giác được thưởng thức không khí se lạnh và mưa bay lất phất ở vùng núi đồi chập chùng. Cả du khách thích săn mây, vì trong cảnh thời tiết lúc mưa lúc tạnh như thế, mây trời thường tràn xuống, núi đồi thoắt ẩn thoắt hiện khiến người ta cứ bị cuốn theo những cảnh hợp tan của tơ trời. Nếu ngồi ở vị trí vừa ngắm được hồ Hàm Thuận hay hồ Đa Mi, vừa ngắm được quang cảnh ấy thì không còn gì bằng… Đó là lý do khiến dịp lễ 2/9, nơi đây vẫn đông khách chứ không như nhiều người dự đoán là sẽ không bằng dịp lễ 30/4, 1/5. Rằng do sức hút ban đầu từ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã vơi, do các dịch vụ cho nghỉ ngơi chưa có, quán sá tạm bợ và do lễ 2/9 thường ẩm ướt vì mưa nên ít khách muốn du lịch lên rừng núi. Thế nhưng thực tế cho thấy, chính nhờ có tuyến cao tốc trên mà những làn sóng du khách tràn về đây theo quốc lộ 55 và tỉnh lộ 22 phát hiện ra một tiểu Đà Lạt mang tên Đa Mi khác lạ, hoang sơ, chỉ cách biển Phan Thiết 70 km nên đã tự thiết kế những tour, tuyến cho những chuyến xê dịch theo nhu cầu rõ ràng hơn trong dịp lễ 2/9 này.

z4629008514977_006ac94ef8ce23a426109d27bc2b58e5.jpg
z4629008854309_bf8a4ca61fa7de292cc185be9f375103.jpg

Những tour, tuyến bất ngờ

Nếu khách xuất phát từ TP. Phan Thiết sẽ theo quốc lộ 28, rẽ vào tỉnh lộ 22 lên các xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc như Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, sau đó gặp quốc lộ 55 vào địa phận xã Đa Mi. Còn khách từ các tỉnh phía Nam có thể theo quốc lộ 55 qua La Ngâu (Tánh Linh) trước khi vào xã Đa Mi du lịch rồi vòng về phố biển Phan Thiết theo tỉnh lộ 22 ra quốc lộ 28. Dù đi theo hướng nào, khi qua Đông Giang, du khách có thể ghé thăm chiêm bái Căn cứ cách mạng Sa Lôn như một cuộc hành hương về nguồn. Đó là 2 tuyến du lịch, lấy Đa Mi là tâm điểm.

htb-2-.jpg
Một góc thác 9 tầng.

Xã vùng cao này hội tụ nhiều cảnh quan đẹp, điểm văn hóa tín ngưỡng, điểm sản xuất, nhà máy… với sự hấp dẫn và khác biệt riêng nên du khách tự tìm đến theo kiểu thuận đường, thuận theo nhu cầu khám phá rồi hình thành các tour lúc nào không hay. Nổi bật là 2 hồ Hàm Thuận, Đa Mi, đều là hồ thủy điện, thế mà không hồ nào giống hồ nào. Hồ Đa Mi đẹp hiền dịu như chính biên độ dao động mực nước của nó chỉ từ 1 - 3m. Trên mặt hồ này có khu vực lắp hàng vạn tấm pin mặt trời lắp, có khu vực nuôi cá tầm nên du khách tới đây luôn háo hức muốn tìm hiểu, cách thức người ta phát điện mặt trời lên lưới điện thế nào; muốn thử các món ăn từ cá tầm tại chỗ hay mang về phố chế biến cho cả nhà thưởng thức. Còn hồ Hàm Thuận hùng vĩ, bí ẩn hơn, dữ dội hơn, khi có lúc mực nước tăng đến 30 m, nhấn chìm những cồn bãi và khi nước rút xuống phơi bày cả những bí ẩn trong lòng nó cũng khiến du khách thỏa mãn ngắm nhìn.

z4703119052939_374dad74e7a1f8f498b5861c3fed9e3e.jpg

Chưa hết, nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn xã Đa Mi cũng là một điểm đến mà khách du lịch muốn tham quan, tìm hiểu quy trình vận hành để tạo ra điện như thế nào. Tiếp đến là thác 9 tầng, chính cái tên đã cho thấy sự hấp dẫn của chính nó, đồng thời khơi dậy tính khám phá của dân ham mê rừng núi, thác ghềnh. Nếu mỏi chân và muốn tĩnh tâm nghe tiếng chuông chùa của miền đất lạnh gần biển là Đa Mi thì ghé chùa Quan âm. Điểm đặc sắc khác, Đa Mi là vùng có cây trái quanh năm. Đây là kết quả ngẫu nhiên tập trung của cộng đồng bởi dân ở đây vốn di cư từ nhiều vùng miền trong cả nước đến, khi đi họ mang theo các giống cây của cố hương về trồng thì không ngờ, chúng đều sống tốt. Từ đây, mới phát hiện ra khí hậu Đa Mi thật đặc biệt, khi nằm giữa vùng biển, khí hậu nóng ấm (TP. Phan Thiết) với vùng lạnh, ẩm ướt (Lâm Đồng) nên hình như loại cây nào cũng sống được. Do đó, đến Đa Mi vào mùa nào, du khách cũng có thể vào vườn trái cây tham quan, thưởng thức và mua cây trái đem về. Nhưng nếu nhấn mạnh thương hiệu thì sầu riêng Đa Mi đã có tiếng trên thị trường.

Với những nét nổi bật trên, khách muốn đi đến đâu thì tự liên hệ sắp xếp đi, ngay cả muốn tham quan trong lòng 2 hồ Hàm Thuận, Đa Mi. Nhưng mọi dịch vụ ở đây đều không công khai, đều tự phát và đã bùng phát từ dịp lễ 30/4 rồi. Đó là khó khăn nhưng cũng là cơ hội mà huyện Hàm Thuận Bắc ghi nhận trong tâm thế muốn Đa Mi là một vùng du lịch của huyện.

Bài 2: Thế khó của Đa Mi

Bài 3: Bên không làm gì, bên khao khát

Bài 4: “Con đường” sẽ đi

Bài 5: Sẽ tạo nên sự khác biệt, nếu…

BÍCH NGHỊ

Related articles
Vườn dừa Thiện Trung hút khách
Dừa xiêm Thiện Trung được đánh giá là loại thức uống bổ dưỡng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Giống dừa xiêm dễ trồng, vốn đầu tư ít, tiêu thụ lại ổn định.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển du lịch nông thôn Hàm Thuận Bắc: Vướng mắc quyết định. Bài 1