Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 289/TB-VPCP ngày 19/9/2022 của Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch số 111 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phấn đấu tự cân đối thu, chi ngân sách tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030” (Đề án).
Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã đề xuất phương án với tốc độ thu nội địa tăng bình quân từ 9- 10%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030; trong đó giai đoạn 2024 - 2025 tăng 9%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 tăng 11%/năm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hoặc theo phương án số thu nội địa theo tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách đạt 8%. Theo đó, các mốc thời gian Bình Thuận sẽ tự chủ cân đối thu, chi ngân sách đề xuất theo 3 phương án vào năm 2026, năm 2028 và năm 2030.
Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất cao theo đề xuất xác định số thu nội địa để đảm bảo nhu cầu chi ngân sách địa phương năm 2024, 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời thực hiện tiết kiệm chi ở một số khoản chi không cần thiết nhằm đảm bảo chi ngân sách địa phương (NSĐP). Đồng thời đề ra các giải pháp để tăng thu ngân sách, các giải pháp tháo gỡ khó khăn thu ngân sách; xác định nguồn thu từ đất cho hợp lý…
Đồng chí Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng: "Cần rà soát tính toán lại để có phương án phù hợp nhằm tăng thu ngân sách tỉnh trong thời gian tới. Tiềm năng lợi thế của tỉnh còn rất lớn, tinh thần là nỗ lực cao nhất thực hiện quy hoạch tỉnh, tăng thêm nguồn thu để triển khai đề án trong thời gian sớm nhất..."
Đồng chí Dương Văn An - Bí thư tỉnh ủy kết luận
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Tỉnh Bình Thuận đã bước qua giai đoạn khó khăn, giai đoạn “khó, khô, khổ” đã vào quá khứ, giờ bước vào giai đoạn khơi thông nguồn lực, khai thác tiềm năng, khát vọng vươn lên. Chúng ta biến khó khăn, thách thức thành động lực để phát triển, biến yếu tố bất lợi thành kho báu, biến tiềm năng thành của cải vật chất và biến cơ hội thành thành tựu”, Bí thư Tỉnh ủy dẫn chứng rằng dư địa đất đai của Bình Thuận có quy mô tương đối lớn với tổng diện tích đất gần 8.000 km vuông, đường bờ biển 192km.... Giai đoạn 2017-2023 thu ngân sách tăng bình quân 11,09%; tỷ lệ huy động GRDP khoảng 10,4%. Dù vậy, hiện nay, Bình Thuận chưa tự cân đối ngân sách. Do vậy, tỉnh xây dựng đề án thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ là rất cần thiết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất theo chủ trương và những nội dung được đề cập trong đề án. Tuy nhiên, Đề án cần phải điều chỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Cục Thuế cần tính toán điều chỉnh bổ sung để phấn đấu đạt kết quả cao hơn; trong đó, chú ý mục tiêu chính vẫn phải tăng thu, đảm bảo nguồn chi một cách hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm theo nguyên tắc chi đúng, chi đủ những nguồn chi cần thiết, hiệu quả phục vụ cho phát triển. Để thực hiện tốt mục tiêu này, phải thực hiện tốt quy hoạch tỉnh vừa mới công bố nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển và tạo sự hồi phục mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát đề ra các giải pháp để mở rộng huy động bồi dưỡng khai thác tốt các nguồn thu, nhất là các nguồn thu lớn, chủ lực, ổn định; tăng nguồn thu từ du lịch, tiêu dùng, thu từ sản xuất công nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất phân phối điện, nguồn thu từ đất....
Bí thư Tỉnh ủy thống nhất, yêu cầu nghiên cứu lại Đề án trên cơ sở tính toán một cách kỹ lưỡng, bám sát thực tế, có dự báo đến chiều hướng phát triển trong tương lai để tính toán các nguồn thu có thể thu được trong giai đoạn 2021 -2025 và giai đoạn 2026-2030. Từ đó, tính toán dự kiến nguồn thu đạt được và phấn đấu trên cơ sở thực hiện các giải pháp: cải cách hành chính, thúc đẩy đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu... để cân đối nguồn chi NSNN cho phù hợp. Về mốc thời gian, quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có trở ngại do tác động của tình hình kinh tế, chính trị của thế giới, trong nước và những vấn đề tại địa phương có thể sẽ khó đạt được trong năm 2025. Vì vậy, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2028 sẽ tự chủ cân đối ngân sách.