Ớt chim Bình Thạnh – Cần gì để phát triển thương hiệu?

11/09/2017, 08:25

BT- Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh vừa lấy ý kiến nhân dân về logo sản phẩm của ớt chim Bình Thạnh, hoàn thành thủ tục để chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho nông sản này và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tập thể. Đây là bước đi quan trọng trong việc phát triển loại cây trồng đặc trưng này… Nhưng để phát triển hơn, nông dân cần nhiều hơn thế.

                
   Ớt chim Bình Thạnh.

Gặp chị Hồ Thị Thu Thiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh được biết: Năm 2014, địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động Tổ hợp tác (THT) trồng ớt chim với 10 thành viên, diện tích trồng khoảng 2 ha phân bố rải rác tại 3 thôn của xã. “Từ lúc cây con nảy chồi, phát triển đến lúc cao khoảng 0,5 đến 0,7 m (sau 3 tháng) là bắt đầu thu hoạch. Có thể thu hoạch từ 3 đến 4 tháng liên tiếp, tùy vào cách vào phân, thuốc, tưới nước, dưỡng cây”, chị Thiên cho biết.

Lý do tại sao ớt chim Bình Thạnh tuy nhỏ mà lại có vị cay the mát, giòn và thơm thì chị Thiên chưa dám khẳng định. Nhưng theo những vị cao tuổi trong làng là do quá trình di trú của chim, quá trình lên men các hạt ớt đã giúp chuyển hóa một vài chất dinh dưỡng khiến ớt chim kết hợp với đất cát khô, khí hậu nóng và đặc trưng nguồn nước tưới Bình Thạnh mà tạo ra loại nông sản hút khách này.

Theo lời của Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh thì nhiều doanh nghiệp đã đến địa phương để thăm dò khả năng sản xuất và cung ứng sản phẩm ớt chim Bình Thạnh vào các chuỗi bán hàng, siêu thị. Nhưng sản lượng ít, không ổn định chính là ngõ cụt. “Một siêu thị tại Phan Thiết cần bà con cung ứng mỗi ngày gần 10kg, nhưng với 2ha canh tác thì điều này là không thể. Địa phương cố gắng lắm thì mỗi ngày từ 1 đến 2 kg, mà còn tùy vào mùa vụ”, anh Phạm Thanh Bình cho biết.

Còn theo chị Thiên, điều quan trọng nhất là còn nhiều hộ nông dân cũng đã và đang trồng ớt chim nhưng không chịu vào THT vì chưa thấy lợi ích. “Sau 3 năm hoạt động, THT chỉ kết nạp thêm 1 hộ dân. Còn lại khoảng 7 hộ có ớt chim, mỗi hộ từ ½ đến 1 sào, nếu cùng vào THT, cùng sản xuất và kinh doanh, số lượng cung ứng cũng sẽ khác”.

Theo thông tin được biết, huyện Tuy Phong và Sở Khoa học Công nghệ đã và đang xây dựng, phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, trong đó có các mặt hàng nông sản. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 52 ngày 22/10/2015 về quy định chính sách xây dựng và phát triển tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và hỗ trợ các địa phương có sản phẩm đặc trưng lập thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tập thể. Trong đó, huyện Tuy Phong đăng ký nhãn hiệu tập thể cho ớt chim Bình Thạnh và mủ trôm Tuy Phong.

Tháng 8 vừa qua, bộ logo về đăng ký nhãn hiệu tập thể của ớt chim Bình Thạnh đã được thống nhất và đang hoàn thiện các thủ tục. Tuy nhiên, người nông dân xã Bình Thạnh còn mong nhiều hơn thế. Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm giống, chất lượng đất, nước, khí hậu… để có những thông số kỹ thuật chuẩn cho riêng ớt chim. Từ đó có thể điều chỉnh diện tích sản xuất, ứng dụng thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp. “Cùng với đó là việc thông tin kỹ thuật, cách thức canh tác chuẩn để bà con nông dân mạnh dạn đầu tư và vào THT để sản xuất tập trung. Nếu được vậy chính quyền địa phương mới mạnh dạn điều phối hợp đồng cung ứng với doanh nghiệp hoặc các siêu thị, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, đặc trưng của Tuy Phong”, chị Thiên đề xuất.

    
        “Giá bán 1 kg ớt chim Bình Thạnh khoảng 500 nghìn đồng, dịp lễ có thể   tăng lên 600, 700 nghìn đồng. Cá biệt trong Tết Đinh Dậu 2017, giá bán   lên đến 1,2 triệu đồng”.

Chí Bình


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ớt chim Bình Thạnh – Cần gì để phát triển thương hiệu?