Ổ dịch lây truyền từ động vật sang người tiếp tục xảy ra

28/03/2024, 05:15

Đó là nhận định của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sáng 27/3, tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Tại điểm cầu Bình Thuận, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, Chi cục Thú y tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tham dự.

diem-cau-byt-1.jpg
Tại điểm cầu Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024

Các đại biểu cho biết: Các bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với cúm A (H5N1), sau 8 năm kể từ năm 2014, cả nước không ghi nhận ca mắc mới; trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 ghi nhận 2 trường hợp mắc mới thì có 1 trường hợp tử vong. Với bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ đầu năm 2024, số ca mắc bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so cùng kỳ năm ngoái. Tại Bình Thuận 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do dại tại Hàm Tân 1 ca, La Gi 1 ca, Hàm Thuận Nam 1 ca; tăng 100% so cùng kỳ năm 2023. Với bệnh cúm A(H5N1), toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào lây sang người, từ năm 2020 đến nay.

diem-cau-syt-bt.jpg
Tại điểm cầu Sở Y tế Bình Thuận họp tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; và cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Tại hội nghị, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trong đó, quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi; đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

TRANG MINH

Related articles
 Thăm, chúc mừng Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Chiều 27/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nguyễn Minh thăm, chúc mừng các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Sở Y tế Bình Thuận và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2024).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ổ dịch lây truyền từ động vật sang người tiếp tục xảy ra