Một trong những hình thức để nông dân sản xuất bài bản, liên kết theo chuỗi là tham gia các tổ hợp tác, mô hình HTX kiểu mới. Các cơ quan chức năng, Liên minh HTX tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đồng thời hỗ trợ tối đa để nông dân tích cực tham gia kinh tế tập thể và an tâm sản xuất…
HTX có quy mô nhỏ
Theo quy định của Luật HTX năm 2012, chỉ cần 7 thành viên trở lên và tự nguyện sẽ thành lập được HTX. So với HTX kiểu cũ, nhất là HTX nông nghiệp thì mọi cá nhân tham gia vào HTX phải cùng sản xuất chung trên một địa bàn. Vì vậy, HTX theo luật mới tăng về số lượng, nhưng giảm thành viên.
Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện trên địa bàn Bình Thuận có 206 HTX với gần 6.000 thành viên, trong đó thành lập mới trong năm 2021 là 15 HTX. Tuy nhiên, số lượng HTX trên 100 thành viên chỉ có 9 HTX (chiếm 6%) tổng số HTX. Một trong những địa phương có số HTX hoạt động đông nhất tỉnh là huyện Hàm Thuận Nam với 16 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 13 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thanh long. Hiện tại, các HTX đã được củng cố, sắp xếp theo Luật HTX 2012, trong đó có 2 HTX bước đầu đã tìm kiếm được thị trường xuất khẩu là HTX Thanh Bình (thị trường Canada) và HTX Hàm Minh 30 (thị trường Hàn Quốc), còn lại hoạt động cầm chừng và không hiệu quả. Điều này cho thấy thực tế, phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn góp của thành viên là vốn danh nghĩa. Việc huy động tăng phần vốn góp của thành viên rất khó khăn, năng lực cạnh tranh còn thấp, vẫn còn tư tưởng vào HTX không có quyền lợi gì.
Ông Phan Đình Khiêm - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhìn nhận: Lợi nhuận và dịch vụ mà HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều, tính khả thi của phương án sản xuất, kinh doanh chưa cao. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn thấp, số HTX sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc tích tụ ruộng đất sản xuất theo quy mô lớn còn hạn chế. Hầu hết các HTX chỉ mới dừng lại ở khâu sản xuất, rất ít HTX có thể trực tiếp chế biến, xuất khẩu hàng hóa”.
Giải pháp để nông dân “hít” HTX
Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp. Trong đó, hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, tham gia các hội chợ trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít nông dân vẫn chưa biết, hoặc chưa tiếp cận được các thông tin tuyên truyền về tham gia vào HTX. Đơn cử hộ bà Trần Thị Kim Oanh - nông dân trồng trên 1.000 trụ thanh long tại xã Phan Rí Thành (Bắc Bình) cho biết: “Gia đình tôi trồng thanh long 5 năm nay nhưng chưa biết đến và chưa tham gia vào HTX. Do đó những năm qua, gia đình sản xuất tự phát, đầu ra sản phẩm rất khó khăn. Trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, giá cả phân bón tăng cao và đầu ra bấp bênh, nếu được tham gia vào một tổ hợp tác, hợp tác xã, bà con sẽ có chỗ dựa vững chắc hơn”.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm, để nông dân hiểu được tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hiểu rõ về mô hình HTX kiểu mới, Liên minh HTX sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giúp hội viên, nhân dân hiểu đầy đủ hơn về mô hình HTX kiểu mới. Qua đó tạo môi trường, tâm lý thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX. Mặt khác, đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ chủ chốt của HTX phải là những người có năng lực về điều hành, quản lý. Mọi hoạt động của HTX trước hết phải mang lại lợi ích cho thành viên, tạo sự gắn kết, qua đó huy động tối đa sự tham gia của các thành viên vào HTX. Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò các đoàn thể có nhiều hội viên có thể tham gia HTX, như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... Khi tạo được sự đồng thuận, nông dân tham gia và HTX, sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng chung sức phát triển kinh tế tập thể phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV cho biết: Giai đoạn 2030 - 2045, phấn đấu Việt Nam là 1 trong những nước có sản lượng nông sản hàng đầu, thanh long có thể nằm trong danh sách này. Để làm được điều đó, ngoài việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao, thì công đoạn thu mua, phân phối, tiêu thụ rất quan trọng. Một trong những hình thức để người nông dân sản xuất bài bản, liên kết theo chuỗi là tham gia các tổ hợp tác, mô hình HTX kiểu mới…