Nơi gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa Chăm

21/05/2024, 05:16

Để gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm và tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan nhằm quảng bá, xúc tiến, các hoạt động liên kết hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch, mới đây UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư kinh phí sửa chữa Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tại huyện Bắc Bình.

Theo đó, cuối tháng 3/2024 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt dự án sửa chữa Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm. Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, với tổng mức kinh phí đầu tư cho dự án là 6.184 triệu đồng, từ nguồn vốn xổ số kiến thiết.

cham.jpg
Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm được sửa chữa từ vốn xổ số kiến thiết.

Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm có diện tích hơn 3.000 m2, nằm ngay bên tuyến quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Sau hơn 16 năm đưa vào hoạt động, công trình Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm đã giới thiệu hàng ngàn hiện vật lớn nhỏ, phục chế gần 400 hiện vật và gần 150 bức ảnh trưng bày phản ánh về hoạt động, đời sống tinh thần, vật chất của cộng đồng người Chăm Bình Thuận xưa và nay. Hiện vật trưng bày tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm được chia thành các nhóm: Sưu tập di sản hoàng tộc Chăm; các hình ảnh và cổ vật; nông cụ và ngư cụ truyền thống; hiện vật chế tác các sản phẩm gốm Chăm; các loại công cụ, nguyên liệu; sản phẩm dệt thủ công truyền thống. Hàng năm, đến tháng 10 vào dịp lễ hội Tết Katê nhiều hoạt động văn hóa của đồng bào Chăm được diễn ra tại khuôn viên khu trung tâm trưng bày nhằm quảng bá, giới thiệu giá trị vật thể, phi vật thể của người Chăm đến với đông đảo du khách. Tại đây, các nghệ nhân trình diễn kèn Saranai, thi nặn bánh gừng và trình lễ vật dâng cúng thần linh… Những hoạt động sôi nổi trong các ngày tết đã cuốn hút nhiều du khách cùng tham gia và thể hiện các điệu múa Chăm truyền thống như: Biyên (múa chim công), chron (múa gà tây) và Balaiy (múa bóng) trên nền nhạc cụ Chăm. Đặc biệt, du khách đến tham gia trong những ngày lễ hội có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức những điệu múa Chăm và các nghề truyền thống lâu đời nhất như: Nghề dệt và nghề làm gốm; du khách còn được hướng dẫn trải nghiệm thực tế cách nặn gốm dân dụng, mỹ nghệ và kỹ thuật dệt thổ cẩm.

Có thể nói, những hiện vật văn hóa, công cụ lao động sản xuất hay sản phẩm làm ra của đồng bào Chăm trưng bày tại đây là những hoạt động văn hóa phi vật thể, phản ánh diện mạo, đời sống văn hóa của người Chăm Bình Thuận. Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm đã và đang kết nối với các tour du lịch, công ty lữ hành để đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Chăm ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do công trình được xây dựng và đưa vào hoạt động khá lâu nên một số hạng mục công trình xuống cấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và người dân địa phương. Do vậy, để giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa của người Chăm và tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan thì việc đầu tư dự án sửa chữa Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bắc Bình là bức thiết. Dự án có quy mô đầu tư gồm: Sửa chữa Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, xây mới nhà kho, sửa chữa nhà điều hành, sửa chữa nhà thao diễn dệt - gốm truyền thống đồng bào Chăm, sửa chữa nhà giải khát - bán đồ lưu niệm, cổng tường rào, hệ thống cấp nước, PCCC tổng thể. Đồng thời, đầu tư một số trang thiết bị mới cho công trình. Hiện dự án sửa chữa Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm đang được khởi động và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới.                              

N.HỘI

Related articles
Giải bóng đá 5 người trong công chức, viên chức, người lao động
BTO-Liên đoàn Lao động huyện Tuy Phong đang phối hợp với Trung tâm Văn hoá Thể thao - Truyền thanh Truyền hình huyện tổ chức giải bóng đá 5 người trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa Chăm