Những “chuyện lạ” quanh sốt đất

30/03/2022, 05:49

Nhưng mặt trái của vấn đề cũng đang nhen nhúm nỗi lo đất nông nghiệp mua rồi để đó không sản xuất, lo một nguồn lực xã hội lớn bị “chôn” vào đất mà còn có một sự bất hợp lý đang hình thành, khi đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đang bị lép vế so với đầu cơ tài sản. Và còn nảy sinh nhiều hệ lụy khác, nhất là về đầu tư mà hiện một số dự án đang triển khai lúng túng.

Bài 1: Khi sản phẩm đất đắt hàng

Cơn sốt lan rộng

Trong khi các loại nông sản từ thanh long, xoài, mít…đều không bán được, do sự cố các cửa khẩu phía Bắc đóng mở bất thường kéo dài thì đất vốn đã sốt từ trước tết ở La Gi, Hàm Tân đã có cơ hội tiếp tục nóng sốt mãi đến giờ. Tại các vùng thanh long, nhất là những nơi có các tuyến đường đi qua, giá đất đã tăng không theo một quy luật thị trường nào khiến nhiều nông dân quyết định bán…đất. Không ít nhà vườn ở Hàm Thuận Bắc, sau 3 pha đánh điện cho trái thanh long đẹp nhưng lại không bán được hàng, nợ chi phí đầu tư dồn 3 vụ nên đã nhổ trụ, rao bán đất. Không biết có phải đóng cánh cửa này thì sẽ có cánh cửa khác mở ra hay không nhưng thực tế, nhiều diện tích đất ven các tuyến đường đi trên địa bàn huyện đều có giá tăng gấp 2 - 5 lần so với trước. Tức 1 sào có nơi năm ngoái chỉ 50 triệu đồng, nay lên 250 triệu đồng nhưng cũng có nơi lên đến cả tỷ đồng, tùy từng vị trí liên quan đến quy hoạch, triển vọng phát triển. Còn tại vùng thanh long huyện Hàm Thuận Nam thì cũng xảy ra cảnh tương tự. Nhất là ở những vùng đất có ảnh hưởng từ các tuyến đường đang mở như ĐT 719B, ĐT 719…đất trồng thanh long có giá khác theo từng ngày, với mức tăng gấp 5, gấp 7 lần so lúc trước. Rất nhiều người ở các tỉnh, thành khác tìm đến đây mua bán đất nhộn nhạo bằng tiền mặt chứa bằng bao tải mang theo, đã kích thích các nhà vườn thanh long đang trong cảnh thiếu nợ tính toán bán đất.

nl-2-.jpg
Đất Tiến Thành, Phan Thiết . Ảnh NL

Chuyện những vùng đất nằm trong quy hoạch, ảnh hưởng quy hoạch được giới đầu tư săn đón đẩy giá cao là bình thường. Như ở thị xã La Gi, huyện Hàm Tân là một ví dụ. Nếu La Gi đã được công bố lộ trình lên thành phố thì trên địa bàn Hàm Tân cũng đã định hình những vị trí xây dựng các khu công nghiệp. Đất ở những vùng quanh các khu vực trên đã tăng giá chóng mặt. Các nông dân bán đất trồng mì thôi cũng được tiền tỷ. Tuy nhiên, ở những nơi xa xôi hẻo lánh, thậm chí đất bỏ không nhưng trong cơn sốt đất chung đó cũng kéo giá lên cao và rất lạ, vẫn có người chịu mua. Còn ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đất 04 đã sử dụng 10 năm qua, giờ cũng chuyển nhượng một cách lén lút… Điều đó khiến không ít người dân lẫn cò đất tại địa phương băn khoăn rằng có khi nào những người đã mua, đang tìm mua đất ấy biết trước quy hoạch tại khu vực mà người trong tỉnh thì chưa biết. Sau khi tìm hiểu thì nhiều người càng không thể hiểu hơn, vì khu vực ấy hiện chưa có một quy hoạch nào, hơn nữa có khu đất còn chưa có giấy tờ…Và chính vì không có một nguyên cớ nào nên đất ở bất cứ đâu trong tỉnh, đã trở thành mặt hàng đem lại lợi nhuận nhanh nhất, dễ nhất, thu hút người người, nhà nhà quan tâm hơn bất cứ sản phẩm hay nông sản nào hiện giờ.

Chuyện ở văn phòng công chứng  

Trước cơn sốt đất về cả giá lẫn nhu cầu mua một cách lan rộng, ồ ạt, các huyện, thị xã, thành phố một mặt yêu cầu cấp xã, đơn vị giữ đất công nhằm tránh lấn chiếm, cũng như chỉ đạo công an tìm hiểu các nhóm cò đất thổi giá ảo để ngăn chặn; mặt khác tuyên truyền, khuyến cáo người dân giữ đất, tránh tham gia giao dịch gây thiệt hại. Dù vậy, việc chuyển nhượng đất vẫn diễn ra rầm rộ. Tất cả việc mua bán đều thông qua các văn phòng công chứng. Đó là lý do nhiều ngày qua, tại các văn phòng công chứng, cụ thể trên địa bàn TP.Phan Thiết, khách đông nghịt, xe con đậu tràn ra đường cả đoạn dài. Qua tìm hiểu thì các hồ sơ để công chứng phần lớn là chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cá nhân với cá nhân; mua phần vốn góp của công ty nhưng thật ra vẫn là chuyển nhượng đất, nhất là những dự án du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh…

binh-nh-nl-3-.jpg
Đất ven biển Hòa Thắng, Bắc Bình. Ảnh NL.

Theo những người sành thị trường đất đai, có nhiều nguyên nhân để lý giải tình trạng sốt đất lan rộng hiện nay tại Bình Thuận. Trước hết, việc xây dựng các tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh cùng kế hoạch đầu tư hạ tầng, triển khai các dự án thông qua những tuyến đường kết nối với vùng phát triển du lịch, các khu công nghiệp… đã khiến nhà đầu tư ở các tỉnh, thành khác chú ý và đổ xô thực hiện chiến lược đầu tư đón đầu. Thứ hai, thị trường đất đai tại Bình Thuận trong lợi thế so sánh với các tỉnh, thành khác như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu … đang có dư địa phát triển rộng, cộng thêm giá đất còn thấp hơn nên đã tạo sức hút cho hy vọng giá sẽ còn tăng trong thời gian tới. Thứ ba, có những nhóm cò đất đã thực hiện các chiêu trò để tạo ra giá đất ảo, thu lợi từ lôi kéo nhiều người không chuyên nghiệp theo cơn say “lướt sóng” kiếm tiền lời nhanh chóng từ mua bán đất nền, vốn dĩ có giá thấp hơn, thanh khoản dễ dàng hơn các loại hình khác.

Nhưng tất cả lý do trên chỉ tung hoành ở nơi có khả năng đón đầu những dự án, công trình mà khi đi vào khởi công là sẽ tạo ra khả năng sinh lời nhanh, nhiều. Còn với những vùng đất mà ngay thời điểm mua còn không có gì gọi là đón đầu thì nhiều người tin là do chiến tranh Nga - Ukraine gây biến động lớn về tài chính, giá nhiên liệu tăng cao và giá trị đồng tiền bị ảnh hưởng cùng với dịch bệnh không biết bao giờ chấm dứt nên người có tiền nhàn rỗi đã tìm mua những vùng đất trên, với hy vọng đầu tư sinh lời ít rủi ro, cũng như có chốn lui về tránh dịch khi cần.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm mà một số công chứng viên tiết lộ là bên cạnh những hợp đồng có giá đất thể hiện thường thấp hơn số tiền thanh toán giữa 2 bên là những hợp đồng thể hiện số tiền chuyển nhượng cao hơn so với thực tế mua bán. Thực sự 2 trạng thái này thể hiện điều gì?

Chính vì không có một nguyên cớ nào nên đất ở bất cứ đâu trong tỉnh, đã trở thành mặt hàng đem lại lợi nhuận nhanh nhất, dễ nhất, thu hút người người, nhà nhà quan tâm hơn bất cứ sản phẩm hay nông sản nào hiện giờ.

BÍCH NGHỊ

Related articles
Nghị định 52: Giúp doanh nghiệp “hồi sức”
Nghị định 52/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 của Chính phủ đã ban hành vào ngày 19/4/2021 được xem là liều thuốc giúp doanh nghiệp “hồi sức” trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những “chuyện lạ” quanh sốt đất