Những bạn trẻ mê “xê dịch” ở Phú Quý

29/05/2023, 08:34

Ở huyện đảo Phú Quý, chúng tôi gặp rất nhiều bạn trẻ mê “xê dịch”. Họ là những người không muốn bó hẹp bởi công việc văn phòng nên đã chọn cách “xê dịch”, đi du lịch nhiều nơi vừa trải nghiệm cuộc sống, đồng thời cũng tìm cảm hứng cho công việc.

Từ kỹ sư trở thành hướng dẫn viên du lịch cho Phú Quý

gptempdownload-2-1042.jpg

Xuân Định (28 tuổi) quê ở Khánh Hòa, từng làm lập trình viên ở một công ty công nghệ có tiếng tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, đến năm 2022, Xuân Định tìm đến đảo Phú Quý – nơi mà anh chưa từng đặt chân đến để trải nghiệm cuộc sống. Giờ đây, mỗi ngày trên đảo Phú Quý, anh tham gia lặn biển, săn bắt hải sản và dẫn tour khách trải nghiệm.

Dáng người cao, làn da rám nắng, Định cười thật tươi khi gặp chúng tôi. Trong câu chuyện, Định đã chia sẻ: Những năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, khi có thời gian rảnh rỗi, Định cũng đã có nhiều cơ hội đi du lịch cả trong nước và ngoài nước. Trong quá trình đi, Định thường làm quen với người dân bản địa, trải nghiệm cuộc sống dân dã và học những kỹ năng sinh tồn cơ bản. Cũng từ đây, Định nhận ra bản thân mình mê “xê dịch”. “Tôi tự hỏi mình rằng, liệu bản thân có muốn 5 năm, 10 năm sau vẫn làm kỹ sư ngày ngày đến văn phòng không? Và câu trả lời cuối cùng của tôi là không!”, Định kể.

Cũng theo Định, sau khi quyết định nghỉ việc, thì Định đến Phú Quý. Ban đầu cũng chỉ định lưu trú nơi này khoảng vài ngày thôi. Thế nhưng con người thân thiện, cảnh đẹp hoang sơ và không khí trong lành đã níu chân Định lại. Rồi cũng tại hòn đảo này, Định đã làm quen với nhiều bạn bè là hướng dẫn viên du lịch địa phương. Do có niềm đam mê du lịch, lại yêu thích khám phá, đặc biệt Định có khả năng bơi, lặn rất tốt nên được các bạn rủ tham gia vào dẫn tour khách và giao phụ trách mảng chèo Sup, lặn san hô. Khi có tour, Định sẽ có nhiệm vụ đưa du khách khám phá những bãi biển đẹp của Phú Quý, lặn ngắm san hô, ăn trưa ở bè nổi, chụp ảnh và quay phim dưới nước… Thu nhập từ nghề này, cũng giúp Định ổn định cuộc sống trên đảo.

img-1417-1044.jpg

“Thời điểm này, khách đến Phú Quý rất đông, mỗi ngày có khi em dẫn từ 2-3 tour khách. Tour sáng kéo dài từ 7h30-11h, tour chiều từ 14h30-19h. Buổi tối, em sẽ đưa khách đi ăn hoặc tham gia cắm trại, ăn đồ nướng bên bờ biển cùng bạn bè”, Định nói.

Định dự kiến sẽ rời Phú Quý khi mùa bão tới. Sau đó, anh muốn tới Phú Quốc hay Bali, Indonesia, Thái Lan hoặc Kyrgyzstan...

Sống phóng khoáng với biển cả

Những ngày qua, cô gái mặc áo màu hồng, tung tăng trên chiếc xe Cub hồng, giới thiệu về con người, cảnh đẹp ở đảo Phú Quý được đăng tải liên tục trên mạng xã hội khiến tôi tò mò và đã gặp được khi ra đến đảo Phú Quý. Đấy là Lê Thị Huyền (24 tuổi) đến từ Phú Thọ. Huyền đã nghỉ làm công việc văn phòng ở Hà Nội để ra đảo Phú Quý sống một mình.

2688aad6-c625-4564-9.jpeg

Hiện nay, ở Phú Quý không chỉ riêng Định, Huyền mà nhiều bạn trẻ khác cũng đã lựa chọn hòn đảo này để trải nghiệm cuộc sống dài ngày. Với họ, tuổi trẻ  cần một lần mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để biết rằng thế giới ngoài kia rộng lớn và xinh đep đến nhường nào.

Không ngần ngại khi lần đầu gặp mặt, Huyền kể về câu chuyện của chính mình cho chúng tôi nghe như những người bạn lâu ngày gặp lại. Huyền nói, gần 3 tháng trước Huyền quyết định rời Hà Nội để một mình đến với Phú Quý sinh sống. “Lúc ấy bạn bè em đã thốt lên “mày bị điên à, còn gia đình thì nghĩ em bị stress bởi công việc. Nhưng em chẳng bị gì hết. Chỉ là em suy nghĩ tuổi trẻ phải sống hết mình? Chỉ đơn giản là mình thích biển, thích trải nghiệm. Em cần làm mới lại bản thân, cần phải thay đổi môi trường", Huyền chia sẻ.

Thế là đến đảo, Huyền đã thuê một căn nhà nhỏ với giá 2 triệu đồng/tháng để sinh sống và thuê thêm chiếc xe Cub màu hồng 1 triệu đồng/ tháng, Huyền lê la khám phá khắp đảo. Cũng trong khoảng thời gian này, Huyền đã học lặn, chèo Sup, lặn ngắm san hô…

Thời gian đầu, Huyền có bị khủng hoảng vì thay đổi môi trường sống”, thế nhưng được khoảng hơn 1 tuần Huyền nhận ra Phú Quý “dễ thích nghi”, với nhịp sống chậm, thảnh thơi, phong cảnh đẹp. Huyền nhẩm tỉnh, 1 tháng trên đảo, Huyền chi tiêu khoảng 5 - 6 triệu đồng. “Vậy là rẻ hơn rất nhiều so với cuộc sống ở thị thành. Đặc biệt, con người ở đảo Phú Quý thân thiện, dễ gần và hay giúp đỡ. Em nhận ra, nếu bản thân cởi mở, vui vẻ với mọi người thì mọi người cũng dành tình yêu thương đến mình", Huyền bộc bạch.

Sau gần 3 tháng, đến nay Huyền chẳng khác gì "cư dân xịn" nơi hòn đảo nhỏ, có những người bạn mới trên đảo và gặp gỡ những người bạn mới ở đất liền ra.

"Mỗi ngày ở Phú Quý đều là một ngày đặc biệt đối với em. Buổi sáng em dành thời gian làm việc, buổi chiều sẽ đi lặn, đi bắt ốc, tắm biển, vẽ tranh, chơi với động vật, có những hôm em tham gia đi nhặt rác cùng các bạn trẻ ở đây,...” Huyền nói.

Đặc biệt, mặc dù ở Phú Quý, nhưng Huyền vẫn nhận cộng tác biên kịch, phát triển kênh tiktok… nên cũng giúp cô kiếm được thêm khoản thu nhập.

BẢO NGỌC

Related articles
Trường Sa trong tim tôi
Những ngày đầu tháng 5/2023, từ Cảng quốc tế Cam Ranh, chúng tôi bắt đầu chuyến hải trình đến thăm chiến sĩ và người dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa thân yêu.

(1) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bạn trẻ mê “xê dịch” ở Phú Quý