Đề án ra đời nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL), hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức THPL, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức THPL.
Với tầm quan trọng như vậy, Bình Thuận cũng như các tỉnh, thành khác trên cả nước trong 5 năm qua đẩy mạnh thực hiện Đề án. Mỗi năm Bình Thuận đều đặn ban hành 2 kế hoạch theo dõi tình hình THPL, chưa kể các văn bản chỉ đạo khác và các hướng dẫn của Sở Tư pháp cho các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Đến nay đã thấy rõ những kết quả mà Đề án mang lại. Trong đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ngày càng nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức THPL và có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đối với công tác này; chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu tổ chức THPL, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp…
Đặc biệt, Bình Thuận thành lập đoàn kiểm tra theo dõi tình hình thi hành và kiểm tra việc thi hành trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành tại các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, huyện. Theo đó đã tiến hành kiểm tra về điều kiện đầu tư kinh doanh, môi trường, phòng cháy chữa cháy, chính sách hỗ trợ cho người dân nói chung ở 10/10 huyện, thị và các sở, ngành...
Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế như: chưa có Luật Tổ chức THPL; việc tổ chức, theo dõi THPL chủ yếu được điều chỉnh bởi Nghị định số 59 và một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tình hình THPL chưa được Trung ương ban hành cũng như Bộ Tư pháp chưa ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình THPL trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm khung theo dõi THPL và hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi THPL; kinh phí chưa đáp ứng so với khối lượng công việc ngày càng cao… Đồng thời một phần cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức và theo dõi, còn có tâm lý xem đây là nhiệm vụ của ngành tư pháp.
Để Đề án phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan liên quan thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức và theo dõi việc THPL theo lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kịp thời, chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là những vấn đề “nóng” được người dân, doanh nghiệp quan tâm để chỉ đạo xử lý kịp thời, nâng cao năng lực phản ánh chính sách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...
Đồng thời sẽ kiến nghị với Bộ Tư pháp sớm tham mưu hoàn thiện thể chế liên quan công tác tổ chức THPL. Phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kinh phí bảo đảm cho công tác tổ chức THPL theo hướng toàn diện, đầy đủ nội dung, mức chi và tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ thực tế của công tác THPL trong thời gian tới.