Nhiều phương tiện đường thủy hoạt động không đảm bảo an toàn

26/06/2023, 05:51

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng lén lút sử dụng phương tiện đường thủy (PTĐT) không đảm bảo an toàn kỹ thuật vẫn diễn ra. Điều này không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy mà tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), để lại hậu quả khó lường…

Đưa cả phương tiện tự lắp ráp vào sử dụng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP. Phan Thiết và thị xã La Gi là 2 địa phương có lượng PTT nhiều nhất trong tỉnh với 46 chiếc mô tô nước. Theo đó, Phan Thiết có 26 phương tiện, trong đó chỉ có 14 phương tiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký, người điều khiển có chứng chỉ điều khiển, có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) nhưng đã hết hạn và chưa được cấp lại; 12 phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận ATKT&BVMT, người điều khiển không có chứng chỉ điều khiển theo quy định.

c695740e3fa8e4f6bdb94.jpg
Lực lượng chức năng  tiến hành cẩu phương tiện thủy lên bờ đưa về trụ sở Công an để xử lý.

Tại La Gi có 14 chủ kinh doanh loại hình vận chuyển hành khách bằng mô tô nước (1 chủ được cấp giấy phép kinh doanh, 13 chủ không có) với 20 phương tiện. Tuy nhiên, trong số đó 8 phương tiện được cấp giấy đăng ký, người điều khiển có chứng chỉ điều khiển, có giấy chứng nhận ATKT&BVMT nhưng đã hết hạn và chưa được cấp lại; 12 phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận ATKT&BVMT và người điều khiển không có chứng chỉ điều khiển, song vẫn lén lút hoạt động vận chuyển hành khách. Tương tự, tại khu vực Mũi Kê Gà (xã Tân Thành, Hàm Thuận Nam) có 4 phương tiện; xã Phước Thể (Tuy Phong ) có 5 PTT kinh doanh vận chuyển hành khách từ bờ ra đảo tham quan. Được biết, 9 phương tiện thuộc 2 địa phương này đều được cấp giấy phép kinh doanh, phương tiện được cấp chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận ATKT&BVMT, người điều khiển có chứng chỉ điều khiển theo quy định nhưng việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy của người điều khiển và thuyền viên của phương tiện chưa chấp hành chưa nghiêm túc việc mặc áo phao khi lên phương tiện di chuyển từ bờ ra đảo tham quan và ngược lại.

Đáng lưu ý, khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi thuộc xã La Ngâu (Tánh Linh) và lòng hồ Hàm Thuận thuộc xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) có 16 PTT. Tất cả các phương tiện này đều do người dân tự lắp ráp, không được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ liên quan nhưng vẫn lén lút chở khách du lịch tham quan trong lòng hồ. Dọc sông La Ngà, hồ Biển Lạc thuộc 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh có nhiều doanh nghiệp khai thác cát, sỏi sử dụng các PTT để bơm, hút, vận chuyển khoáng sản. Các phương tiện này chưa được cơ quan chức năng cấp các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện và người điều khiển PTT theo quy định, nhưng vẫn hoạt động.

Công an sẽ vào cuộc điều tra

Bên cạnh các địa phương trên, trên địa bàn huyện Phú Quý hiện có 12 PTT nội địa hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách đi tham quan khu vực huyện đảo, nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bến thủy để hoạt động đón trả khách theo đúng quy định. Trong số đó chỉ có 2 phương tiện (Hưng Phát 01, Tuyền Dương 03 có giấy phép kinh doanh hình thức vận chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa và ven bờ, 10 phương tiện còn lại chưa đăng ký giấy phép kinh doanh; 2 phương tiện người điều khiển có chứng chỉ chuyên môn nhưng không phù hợp với phương tiện đang điều khiển. Khu vực lòng hồ thủy lợi Sông Lũy, Cà Giây thuộc 3 xã: Phan Lâm, Phan Sơn, Bình An (Bắc Bình), hồ Sông Móng thuộc xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) thường xuyên diễn ra tình trạng người dân tự ý kéo những PTT có gắn động cơ và không gắn động cơ thả vào lòng hồ, đưa người từ bờ hồ di chuyển ra các nhà phao nổi của các hộ khai thác thủy sản, các đảo nhỏ trong lòng hồ để ăn nhậu nhưng không mặc áo phao trong quá trình phương tiện di chuyển. Ngoài ra, một số hộ dân từ nơi khác còn dùng PTT tự chế có gắn động cơ tiến hành đánh bắt thủy sản trong lòng hồ.

Công an tỉnh cho biết, tình trạng sử dụng PTT tự lắp ráp, phương tiện không được các cơ quan quản lý nhà nước cấp các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện và người điều khiển nhưng vẫn vận chuyển hành khách không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy hoạt động tại các vùng nội thủy trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra và làm việc với tất cả các chủ phương tiện tại các địa phương; tổ chức tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa; làm việc, yêu cầu các chủ phương tiện không có đủ các loại giấy tờ do cơ quan quản lý nhà nước cấp thì không cho phương tiện hoạt động. Song song đó, tiến hành kiểm tra, kiểm soát và lập nhiều biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Dù vậy, tình trạng lén lút sử dụng PTT nội địa không đảm bảo an toàn kỹ thuật vẫn xảy ra.

Vì vậy, nhằm phòng ngừa tai nạn đường thủy và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này, Công an tỉnh vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết chỉ đạo các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nhất là quy định về xử phạt vi phạm hình chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa để chủ phương tiện, người điều khiển, nhân dân biết và không tham gia giao thông đường thủy bằng các phương tiện thủy chưa được các cơ quan cấp phép. Yêu cầu các chủ PTT chấm dứt việc đưa phương tiện thủy ra hoạt động khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Đối với phương tiện được cấp phép hoạt động thì chủ phương tiện phải ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Yêu cầu Công an các huyện, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết tiến hành lập hồ sơ điều tra cơ bản tại các tuyến, vùng nước nội thủy; nắm chắc hình thức, phương thức hoạt động của những PTT trên từng khu vực. Từ đó tăng cường kiểm tra, kịp thời báo cáo để xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các PTT không bảo đảm an toàn nhưng vẫn vận chuyển khách hành khách, hàng hóa. Nếu để tình trạng các PTT không an toàn tiếp tục hoạt động mà xảy ra tai nạn giao thông đường thủy trong khu vực thì Công an và UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm…

LÊ PHÚC

Related articles
Tạm giữ phương tiện thủy chở khách không phép tại lòng hồ Đa Mi
BTO-Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng  tiến hành tạm giữ phương tiện thủy vi phạm. Điều này cho thấy lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều phương tiện đường thủy hoạt động không đảm bảo an toàn