Nhiều dư địa hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Bangladesh

21/09/2023, 10:16

Với đặc điểm cùng là nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh và đều, dân số đông, lực lượng lao động đồi dào, Việt Nam và Bangladesh còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Là hai quốc gia có nền tảng lịch sử tương đồng, cùng trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập, Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/2/1973. Sau 50 năm, quan hệ hữu nghị giữa hai nước luôn được củng cố và ngày một phát triển; trong đó, có hợp tác thương mại.

Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam - Bangladesh, đưa quan hệ song phương bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, kinh tế Bangladesh thời gian qua chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và khủng hoảng Nga - Ukraine. Từ cuối 2021 đến nay, kinh tế Bangladesh dần phục hồi và duy trì tốt đà tăng trưởng. Năm 2022, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, Bangladesh được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới xét về quy mô nền kinh tế và thứ 25 trên thế giới theo sức mua tương đương.

Về đối ngoại, Chính phủ Bangladesh tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại với trọng tâm là coi trọng và duy trì quan hệ láng giềng, truyền thống tốt đẹp với các nước trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ. Cùng đó, duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn nhằm phục vụ phát triển đất nước. Ngoài ra, Bangladesh mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với tất cả các nước thành viên và đang đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực với ASEAN.

2109gao.jpg
Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bangladeh. 

Theo các chuyên gia, Bangladesh cũng là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở khu vực Nam Á. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh giai đoạn 2010-2014 từ 288 triệu USD lên gần 800 triệu USD và duy trì ở mức khả quan trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2022 kim ngạch thương mại song phương đạt 1.465 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2023 con số này đã đạt 555 triệu USD. Đặc biệt, Bangladesh là một trong ba thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam sau Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Theo đánh giá từ doanh nghiệp, mặc dù tác động từ dịch COVID-19, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị giảm nhưng nhu cầu về sản phẩm gia vị của Việt Nam nói chung và quế nói riêng vẫn giữ vững phong độ. Nguyên nhân do nhóm ngành hàng này của Việt Nam không chỉ phục vụ cho nhóm ngành hàng gia vị mà còn sử dụng với nhiều công dụng khác nhau.

Chẳng hạn như phục vụ sản xuất trong ngành thực phẩm, đồ uống như rượu, các loại trà, thảo dược. Đồng thời, mặt hàng quế còn được doanh nghiệp bán cho đơn vị chuyên làm thuốc, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp... Đây là nhóm ngành hàng được đánh giá là có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian sau dịch COVID-19. Cùng đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hương và vị trong tiêu, quế, hồi của Việt Nam tạo nên sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại đến từ thị trường khác trên thế giới.

Về đầu tư, tính đến tháng 8/2023, Bangladesh có 18 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 930.000 USD, đứng thứ 101/142 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, trong hợp tác nông nghiệp, Việt Nam và Bangladesh đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thủy sản và chăn nuôi giai đoạn 2018-2022; đã gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo thêm 5 năm (từ 2022-2027). Đặc biệt, hai bên đang tích cực trao đổi đoàn các cấp sang thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế, tái định cư và di dân, nuôi trồng thủy sản.

Đáng lưu ý, Bangladesh nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ và tiếp xúc với ASEAN, có lối vào vịnh Bengal, cho phép tàu bè tiếp cận thương mại vào nước này. Ngược lại, Việt Nam có đường bờ biển dài tiếp xúc với hành lang thương mại Đông Á, có cảng, sân bay và biên giới với Trung Quốc đã tạo cho Việt Nam trở thành một địa điểm lý tưởng.

Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào các đặc khu kinh tế của Bangladesh, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, hợp tác song phương về dệt may, thương mại sản phẩm Halal, thương mại dịch vụ phần mềm, liên kết hàng không trực tiếp, xúc tiến thương mại đay và hàng đay, hợp tác lĩnh vực ngân hàng, du lịch…

Về hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai nước thường có sự trao đổi, hợp tác khá chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Hơn nữa, Việt Nam và Bangladesh thường thuộc nhóm có đồng quan điểm, nhất là trong vấn đề nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển bền vững. Đặc biệt, hai nước cũng thường ủng hộ lẫn nhau trong việc ứng cử vào cơ quan của Liên hợp quốc. Cả Việt Nam và Bangladesh đều trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Ngoài ra, về quan hệ nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bangladesh ngày càng được duy trì và củng cố. Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh luôn dành tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam, đánh giá cao vai trò lập pháp của Quốc hội Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa hai Quốc hội tại diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh và Đoàn công tác, đại diện Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) cho hay, đối với thị trường Bangladesh, Vinafood II đã làm đầu mối cung cấp gạo theo MOU (biên bản ghi nhớ) qua các năm. Do đó, để tiếp tục được làm đầu mối cung cấp gạo cho Chính phủ Bangladesh trong thời gian tới thông qua MOU giữa hai nước, Vinafood II mong nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Bộ Lương thực, Cục Lương thực và các bộ ngành phía Bangladesh.

Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh đánh giá cao Vinafood II là nhà cung cấp gạo đáng tin cậy, đúng thời gian cho Bangladesh. Đặc biệt, sản lượng lúa gạo của nước này chưa đủ để cung cấp cho 170 triệu dân nên Bangladesh vẫn cần phải nhập khẩu gạo với những nguồn cung chính; trong đó, có Việt Nam.

2109bangladeh.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Phạm Việt Chiến gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina.

Ông Phạm Việt Chiến - Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh nhấn mạnh: Việt Nam và Bangladesh đều là những nền kinh tế mới nổi với tốc độ tăng trưởng nhanh và đều, dân số đông, thị trường lớn, lực lượng lao động dồi dào. Hơn nữa, phần đông là người trẻ với khả năng tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh còn rất nhiều dư địa.

Theo ông Phạm Việt Chiến, Việt Nam và Bangladesh cần triển khai hiệu quả các thỏa thuận song phương, các cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế - Văn hóa - Khoa học kỹ thuật, hay Tiểu ban hỗn hợp Thương mại. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế hợp tác mới phù hợp với yêu cầu phát triển của mỗi nước trong bối cảnh và tình hình mới.

Ngoài ra, Việt Nam và Bangladesh chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong đường lối, chính sách đối ngoại về nhiều vấn đề khu vực, toàn cầu. Hai nước đều đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc tạo dựng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới cho hợp tác cùng phát triển.

Đặc biệt, Việt Nam và Bangladesh nằm trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, có nhiều điểm tương đồng trong cách tiếp cận với vấn đề toàn cầu như ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hay an ninh năng lượng. Đây chính là cơ sở để hai nước phối hợp chặt chẽ tại nhiều diễn đàn đa phương và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế cũng như phát triển thương mại song phương.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Hà Nội công bố địa chỉ tiếp nhận ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vừa thông báo về việc tiếp nhận sự ủng hộ tới các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ hoả hoạn tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều dư địa hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Bangladesh