Nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió kiến nghị Chính phủ gỡ vướng đàm phán giá điện

08/05/2023, 14:43

Lần thứ hai, các nhà đầu tư điện tái tạo lại gửi công văn kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án chuyển tiếp nhưng chưa đàm phán được giá mua bán điện đầu vào.

Hiện nay đang có 84 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất hơn 4.676 MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch ngày 31/10/2021 (được gọi là các dự án chuyển tiếp). Trong số này có 34 dự án (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm và bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất.

Sau cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp ngày 20/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản 2110/EVN-TTĐ+PC ngày 26/4 về đàm phán dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi Công ty mua bán điện (EVN-EPTC) xem xét mức giá tạm thời ≤ 50% giá trần khung giá phát điện của Quyết định 21 (tương đương mức giá tạm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; Nhà máy điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh).

data-news-2020-6-128228-denghi.jpg

EVN-EPTC đang xem xét mức giá mua điện tạm thời cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh.

Đến nay đã có 28 nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với EVN-EPTC. Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán, hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán… khiến 23 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió tiếp tục có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Đại diện các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN-EPTC và chủ đầu tư đàm phán; chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán giá phát điện để tránh lãng phí.

Các nhà đầu tư cũng đề xuất trong thời gian huy động công suất tạm thời, các dự án được áp dụng 1 trong 3 phương án: Phương án 1 là EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng không hồi tố.

Phương án 2 là EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của Khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng).

Phương án 3 là nếu trong trường hợp giá thanh toán tạm thời thấp hoặc bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21, thì thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư.

“Trong trường hợp giá mua điện tạm thời này được thanh toán, không hồi tố và trừ vào thời gian hợp đồng mua bán điện dài hạn sẽ trở thành giá điện thanh toán chính thức. Việc mua năng lượng tái tạo với mức giá nêu trên đang đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo,cũng như các cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí thải carbon thông qua phát triển năng lượng tái tạo”, các nhà đầu tư phản ánh.

z3753704009308_3ce88aa091dee78deb48c4b282e487bf.jpg

Nhiều dự án điện gió và mặt trời đã hoàn thành thi công, thử nghiệm và bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất gây lãng phí và thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì họp với Bộ Công thương, EVN, các Bộ, ngành liên quan và đại diện các nhà đầu tư để thống nhất giải pháp huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành và giá mua điện trong thời gian huy động tạm thời.

Các nhà đầu tư khẳng định, các đề xuất nêu trên đều dựa trên cơ sở dữ liệu chi phí đầu tư thực tế, tình hình đầu tư của các dự án và khả năng chịu đựng về tài chính của các nhà đầu tư; đồng thời sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để cung cấp các hồ sơ theo quy định cho việc đàm phán giá mua bán điện.

Trước đó, ngày 10/3, các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện, qua đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo xem xét lại các quy định về Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp ban hành tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 (Quyết định 21); Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19/01/2023 (Thông tư 01) phù hợp với thực tiễn ngành điện nói chung và thực tế đầu tư của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc
Sáng 28/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió kiến nghị Chính phủ gỡ vướng đàm phán giá điện