Người tình trong đáy mắt thơ

16/08/2024, 05:20

Đi tìm tác giả, tác phẩm văn học địa phương, gặp lại bài thơ tôi đã từng đọc hồi học phổ thông ở Đà Nẵng trước năm 1975: Ngồi lại bên cầu của Hoài Khanh(1), là một bức tranh thơ đong đầy nỗi nhớ, lắng đọng ngọt ngào nỗi buồn tha thiết của một cuộc tình đã qua.

Mở đầu bài thơ: “Người em gái trở về đây một bận/ Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ”. Chuyện người em gái trở về bao ký ức tưởng đã chôn vùi câm nín bấy nay bỗng dưng đánh thức, làm sống dậy, những kỷ niệm về em “sáng” lên một cách “diệu kỳ”. Cảm xúc em trở về ngỡ để đoàn tụ, gắn bó, nhưng không, niềm vui chỉ lóe lên ngắn ngủi, rồi phải đối mặt với chia ly. Biết em về nhưng người anh không thể gặp, sợ để lại những tiếc nuối, đau buồn, khi nhận ra mọi sự trên đời, ngay cả tình yêu, rồi cũng rơi vào hư vô, nên: “Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể/ Mây của trời rồi gió sẽ mang đi”. Tất cả rồi cũng đi về tánh không, có gì đâu, như “mây của trời” kia, hiện hữu đó rồi tan biến đó. Khi nhận ra không vọng tưởng về chiếm hữu tồn tại trong thực tại, nên mới “lẩn trốn vì thấy mình không thể”, cái muốn tìm để thấy đã vĩnh viễn xa rời, cái còn lại thì mỏng manh muôn đời không ổn định.

Trong hồi ức về “em” với hiện tại: “Em – thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc” khi trở về vẫn giữ nét hồn nhiên, đẹp tươi trong trẻo, nhưng trong tâm thức chủ thể âm thầm nhận ra sự đối lập len lỏi nỗi buồn man mác in dấu “màu cô đơn trên suối tóc la đà”. Biểu tượng tình yêu “mây trắng” cũng theo thời gian trôi chảy trên suối tóc đong đưa lạc lõng giữa dòng đời, tuổi trẻ rồi cũng dần phai nhạt, tình yêu kia mãi trôi đi để rồi khuất lấp, buông bỏ nơi bến sông xa vô vọng không thể quay về. Hình ảnh thơ mang thông điệp về sự vô thường của cuộc sống và tình yêu.

Nhưng nỗi cô đơn buồn đau đã đóng đinh vào đời như lời nguyền tạc đá, nắm giữ trên tay nào buông bỏ được. “Lối về hoang vắng” kia đâu chỉ không gian vật lý mà còn là cõi lòng trống trải bơ vơ khi tình yêu không còn, biết tìm ở đâu ý nghĩa cuộc sống! Một câu hỏi không lời đáp nghe chừng thảng thốt: “Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy”. Đặt nghi vấn về động lực nguồn sống nơi trái tim ngập tràn yêu thương cũng nhằm khẳng định ý nghĩa về sự tồn tại của con người.

Cái ám ảnh trong hồn thơ là sự chuyển động không ngừng của dòng thời gian, sự lắng chìm tĩnh lặng nơi “dòng sông em sẽ ngủ”, là quá khứ dở dang sau bao biến cố cuộc đời, như “Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ”. Ở đó sẽ diễn ra sự chủ động truy tìm một cuộc giao tranh nội tâm “ý tình” mãnh liệt của những xoáy lốc dữ dội tuôn trào “vũ bão”, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng sẵn sàng đối diện với sóng gió tình yêu, tìm về bến bờ ký ức, nhưng lại cập vào bến vắng hoang sơ. “Con thuyền hồn” ấy là hóa thân của chủ thể hồn thơ trôi dạt trên biển đời, tìm về chốn bình yên bao trùm một không gian tĩnh lặng.

Bài thơ mở đầu và kết thúc theo vòng cảm hứng chu kỳ, một vòng tuần hoàn như quy luật: “Rồi em lại ra đi như đã đến”, hành trình ấy cứ hiển nhiên diễn ra không níu giữ được trước dòng chảy của thời gian, dòng chảy của đời người về nơi mịt mờ xa vắng: “Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù”. Chỉ còn mình “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng”. Ngồi lại bên cầu để trân trọng nghe kỷ niệm từ trong quá vãng vọng về, tiếc nuối một khung trời nhớ thương đánh mất. Chỉ chiếc cầu cố định, còn dòng sông thì luôn biến động chảy về nơi vô định không thể nào níu giữ. Như một triết gia đã từng nói: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”(2). Con người, dòng sông, thời gian xảy ra sự việc luôn thay đổi, nên phải biết trân trọng thời gian, vì những gì thời gian đã trôi qua sẽ không bao giờ lấy lại.

Trước thực cảm ấy, trong ký ức lục tìm nhà thơ đã nhận ra nỗi buồn đơn độc: “Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”. Đó cũng là nỗi lòng riêng nhưng gặp cái chung của con người khi đắm chìm vào những kỷ niệm đẹp của tình yêu đã xa trong quá khứ trên dòng chảy tháng năm.

Ngồi lại bên cầu trong đáy mắt thơ là triết lý thâm sâu về sự mất còn của tình yêu đôi lứa, hãy chấp nhận tất cả mọi đổi thay với những biến động như “Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù”, dòng nước trôi đi, thời gian cũng khác – hôm nay không giống hôm qua. Nếu ai bỏ lỡ một lần yêu, khi nhớ lại chắc không ít khắc khoải cảm thông bóng hình của người “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng/ Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu”.

(1): Hoài Khanh tên thật là Võ Văn Quế, sinh năm 1933 tại phương Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (2): Heraclitus, triết gia cổ đại Hy Lạp (534 TCN – 475 TCN)

VÕ NGUYÊN

Related articles
Nhiều phần quà đến với học sinh thôn Tân Quang trước thềm năm học mới
BTO-Đoàn công tác Ban Nữ công và Đoàn Thanh niên liên danh Việt - Nga Vietsovpetro vừa tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” năm 2024 tại Trường tiểu học Sông Phan 1 và Trường mẫu giáo Sông Phan, thuộc thôn Tân Quang- thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tình trong đáy mắt thơ