Ngồi chỗ nào trong bữa tiệc?

05/01/2024, 05:31

Trong những bữa tiệc, tiệc cưới hay tiệc sau đại hội, hội nghị, sau sự kiện, cá nhân một người, ngồi ở đâu, chỗ nào trong bữa tiệc cũng là một chuyện đáng quan tâm.

1. Trước tiên, xin được nói về tiệc cưới. Đám cưới là chuyện trọng đại của cả một đời người. Chuẩn bị cho đám cưới, gia chủ rất cân nhắc trong việc tổ chức tiệc cưới. Tiệc cưới thường được tổ chức rất chu đáo, từ khâu tiếp đón, người dẫn dắt chương trình lễ, chọn lựa thực đơn cho bữa tiệc. Và có một khâu không kém quan trọng là sắp xếp khách mời ngồi vào các bàn nào cho tiện việc chuyện trò. Những người cùng làm việc với nhau ở cùng cơ quan, bà con lối xóm với nhau, họ hàng hai bên, những người thân nhau, cùng những người có sự quen biết nhau ở các mối quan hệ khác. Người đưa khách vào bàn tiệc là người gần gũi với chủ gia, biết được phần nào những người quen của gia chủ. Từ đây, khách được bố trí vào các bàn phù hợp. Những người được sắp xếp ngồi vào bàn có những người quen, từ đó, dễ chuyện trò trước giờ làm thủ tục tiệc cưới và trong thời gian bữa tiệc. Quen nhau, thực khách dễ nói chuyện với nhau, thân tình, đồng cảm, và khi là sự rôm rả, hào hứng.

ngoi.jpg
Ảnh minh họa.

Nếu không được như vậy, khi khách tự vào bàn, tìm chỗ ngồi, có khi lại vào chung bàn với những người mình hoàn toàn không quen, rất khó chuyện trò, nhất là đối với người tính ngại gợi mở những lời hỏi chuyện người khác. Gặp tình huống như vậy, có người suốt buổi tiệc, không nói được câu nào, bởi cũng không biết phải nói gì, nói với ai đây.

Lại cũng có trường hợp, ở tiệc cưới của người thân trong cơ quan, họ hàng. Hai người không hề ưa nhau, thậm chí ghét nhau ra mặt, hoặc ngấm ngầm, run rủi thế nào, lại phải ngồi chung với nhau trong một bàn tiệc, thậm chí là ngồi cạnh nhau. Tất nhiên, không thể là lời không ưa nhau được bộc phát ở đây, bởi đây là bữa tiệc có đông người. Họ đành gác qua chuyện cũ, đành ngồi với nhau cho đến tàn buổi tiệc, nói vài câu với nhau cho qua chuyện.

2. Tiếp đến là những bữa tiệc sau những kỳ đại hội, hội nghị lớn. Ngồi ở đâu, bàn nào, gần ai, cũng là chuyện phải tính tới. Một người bạn của người viết bài kể lại rằng: Anh đi dự một hội nghị lớn chung những ngành có chuyên môn gần nhưng khác nhau. Sau hội nghị, một bữa liên hoan được tổ chức. Hội nghị đông vui. Vì vậy, bữa liên hoan cũng có nhiều người. Bước vào phòng tiệc, anh nhìn quanh, một người bạn mời anh ngồi vào một bàn, bàn đó đã có nhiều anh em ngồi trước đó. Anh ngồi vào để đủ số lượng người, để nhân viên nhà hàng sẵn sàng dọn lên các món ăn. Bỗng một người trong bàn cất tiếng: “Bàn này, anh em trong ngành mình ngồi. Anh em khác ngành xin mời sang bàn khác! Gom anh em ngành mình vào đây!”. Người bạn của tôi kể rằng, anh bất ngờ khi nghe câu nói trên. Bởi anh với người tuyên bố câu nói ấy không hề xa lạ. Chỉ có điều, anh và người nói câu ấy có chuyên môn khác nhau mà thôi! Anh bất ngờ khi nghe những lời như mời anh bước ra khỏi bàn tiệc. Phòng tiệc thì không hề ghi rõ trên bàn: Bàn ấy dành riêng cho ngành của người có tuyên bố trên!

Để không làm ảnh hưởng không khí buổi liên hoan, anh bạn tôi đã gượng gạo ngồi lại bàn ấy. Rồi cũng tàn bữa tiệc. Rồi cũng ai về nhà nấy. Anh bạn tôi về, lòng trĩu nặng những nghĩ suy!

Chỉ một câu nói, dễ làm cho người nghe có những cảm xúc thật trái chiều. Hoặc ở chiều thật vui, khi bạn bè mừng đón nhau ở một bữa tiệc! Hoặc là ở chiều ngược lại!

Chọn một chỗ nào để ngồi, ngồi ở bàn nào, ngồi gần ai trong một bữa tiệc, dù là tiệc cưới, tiệc hội nghị, tiệc cuối năm của địa phương… tưởng là chuyện nhỏ, hóa ra, lại không hề nhỏ! Bởi ngồi gần nhau chỉ khoảng một, hai tiếng đồng hồ cho một bữa liên hoan, bữa tiệc, thực khách không chỉ có thưởng thức các món ăn, thức uống, mà còn là sự chuyện trò, sự sẻ chia với người bên cạnh, người cùng bàn một vài điều nào đó, một vài chuyện nào đó, để giúp có thêm thông tin, thêm hiểu biết, để người ta đỡ xa lạ với nhau khi gặp nhau ở bối cảnh khác, một nơi khác với bữa tiệc mà họ đã từng cùng ngồi!

BÌNH AN

Related articles
Lan tỏa phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng”
Phát huy tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, người cao tuổi (NCT) tỉnh Bình Thuận không chỉ gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương mà còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, trở thành gương sáng cho con cháu học tập và noi theo.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngồi chỗ nào trong bữa tiệc?