Nghi thức nhóm họ phải là một nét đẹp văn hóa

26/01/2024, 05:48

Hàng năm bắt đầu từ tháng mười là lúc rộ của mùa cưới. Đến dự một đám cưới ở xã Nghị Đức huyện Tánh Linh, ngồi cùng tôi có hai vợ chồng người bạn. Thấy họ ngồi cầm đũa chứ không gắp thức ăn gì. Tôi giục, người chồng nói:

- Hồi tối nhóm họ cũng những món này. Rồi như có nỗi niềm anh tâm sự:

- Đám cưới đãi khách 50 mâm, đêm qua nhóm họ cũng tới 30 mâm.

- Gì mà dữ vậy?

- Tôi cũng băn khoăn như anh, nhưng chủ nhà giải thích mọi nhà đều làm thế cả. Mình không làm coi sao được...

Chuyện đãi làng đêm nhóm họ có từ lúc nào?

le-nhom-ho-2-1024x683.jpg

Có lẽ khi cuộc sống kha khá lên một chút nhiều nhà không chỉ tổ chức đám cưới mà còn tổ chức đãi làng với cách gọi “nhóm họ”. Đêm trước ngày cưới gia đình có con làm đám cưới mời bạn bè và hầu hết thanh niên lối xóm đến dự tiệc hát thả ga. Một nhà làm, nhà khác làm theo. Ban đầu vài mâm mời bạn thân thiết, dần dần thành ra nhiều người đến hơn vì thanh niên lối xóm không phải mời mà tự động đến chung vui. Nhà này tổ chức, nhà khác cũng làm theo vì người ta đều làm thế cả. Có người không muốn nhưng lòng dạ cứ phân vân không làm thì không được. Có gia đình tổ chức đám cưới tại nhà hàng, nhưng để nhóm họ ban đêm nên cũng phải thuê rạp, đặt mâm. “Nhóm họ” kiểu này vừa tốn thêm khoản tiền không ít (xấp xỉ gần nửa tiền đám cưới) lại cập rập thời gian. Nhất là vùng quê đêm nhà khá thì đãi bia. Có nhà đãi rượu. Hát nhạc sống, có chút rượu rồi thanh niên hát không chịu về. Ban nhạc không dám ngừng, gia chủ phải năn nỉ vì phải quét dọn khuôn viên rạp để sáng mai còn đón dâu sớm. Ở thành phố không thấy “nhóm họ” theo cách này. Các huyện khác thì không biết có hay không nhưng ở huyện Tánh Linh và Đức Linh thì đã thành ra nghi thức bất thành văn mà nhiều nhà đã làm theo và thành gần như phổ biến.

Nghi thức nhóm họ hiện nay bị thay đổi khác xa với cách nhóm họ trước đây.

Khoảng năm 2010 trở về trước, lúc bấy giờ chưa có các dich vụ đám cưới, ở Đức Linh, Tánh Linh nhóm họ tức là đêm trước ngày đám cưới gia đình chú rể làm một vài mâm mời những người bà con thân thuộc để kiểm lại những việc gì còn chưa xong cho ngày mai như làm rạp, kiếm lá dừa làm cổng cưới, phân công chợ búa và nấu nướng, nhắc nhở những ai đi trong đoàn rước dâu… Cũng trong đêm đó các bà các chị đã lo đi chợ mua thịt cá, đồ tươi, rau ráng về rồi bày ra vừa làm vừa rôm rả chuyện trò. Các món ăn đều tự tay người nhà nấu (còn bây giờ thuê người nấu hoặc đặt nhà hàng mang lại). Các bà băm tỏi, băm hành; các chú, các bác mổ heo, gà, vịt; các dì, các cô xẻ thịt, ướp thịt, nấu đủ món, từ lẩu, xào, tới kho, gỏi; các chị túm tụm đổ rau câu, gọt hoa quả. Tối nhóm họ rộn ràng cười nói vui vẻ.

Bây giờ nhóm họ đã khác. Thực tâm mà nói vì lo ngày đám cưới chính thức gia chủ cũng đã rất vất vả. Nhiều người rất muốn giảm đi kiểu nhóm họ rườm rà này nhưng mà lại ngại. “Người ta làm mình cũng phải làm”. Cũng có người tuyên bố đến lúc cưới con tôi, tôi giảm phần này. Nhưng cũng chỉ mới là ý tưởng.

Nhóm họ đúng cách là nghi thức văn hóa đẹp của người Việt Nam. Có lẽ cũng nên có sự định hướng và thay đổi.

ĐINH ĐÌNH CHIẾN

Related articles
Đồng bào 4 xã miền núi Bắc Bình vui đón Tết Đầu lúa
Theo truyền thống, ngày 14 -15 tháng chạp hàng năm, đồng bào các dân tộc thiểu số 4 xã vùng cao ở huyện Bắc Bình gồm Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền và Phan Tiến tổ chức đón Tết Đầu lúa.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghi thức nhóm họ phải là một nét đẹp văn hóa