Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh...
Thực hiện NQ 11, thông qua hệ thống NHCSXH sẽ triển khai 7 nhiệm vụ. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH, với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ngay sau khi NQ số 11 có hiệu lực, NHCSXH ban hành Kế hoạch số 933 triển khai thực hiện; đồng thời, rà soát lại các nhiệm vụ liên quan để tổ chức thực hiện NQ số 11.
NHCSXH tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo các giải pháp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và thực hiện hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định tại NQ 11. Cụ thể, các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm tổng nguồn vốn cho vay 10.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022: 7.000 tỷ đồng. Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 6.800 tỷ đồng.
Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng, trong đó năm 2022 tổng nguồn vốn cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của NHCSXH trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy KT-XH, nhất là vùng khó khăn trên cả nước nhiều năm qua. Đặc biệt, là việc hỗ trợ kịp thời, có trách nhiệm các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu NHCSXH tiếp tục quan tâm công tác huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và địa phương làm tốt công tác rà soát các đối tượng trong diện được thụ hưởng, nhằm triển khai hiệu quả, nhanh chóng sớm đưa NQ của Chính phủ vào cuộc sống.
Tại Bình Thuận, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách đạt 3.286 tỷ đồng với 102,6 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính Phủ, NHCSXH tỉnh đã giải ngân đến 8 người sử dụng lao động với số tiền 8.970 triệu đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 2.565 lượt lao động...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh