Nên tôn vinh thầy trò cùng vượt khó mùa Covid-19

08/04/2022, 05:40

Học kỳ I đã qua đi nhưng hệ quả của dịch Covid-19 để lại cho ngành giáo dục là không hề nhỏ. Điều dễ nhận thấy nhất là chất lượng học tập của học sinh đang đi xuống.

Trong giai đoạn này, thay vì để giáo viên tập trung toàn bộ sức lực để giảng dạy, để kèm cặp học sinh thì không ít địa phương vẫn cứ tổ chức thao giảng, hội giảng, hội thi giáo viên giỏi.

chao-don.jpg
Ảnh minh họa.

Thực trạng chất lượng dạy học mùa Covid-19

Nếu hỏi giáo viên đang đứng lớp về kết quả học tập của học sinh (cụ thể là học sinh tiểu học) tại thời điểm này thế nào, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời gần như khá giống nhau là “chất lượng thật của các lớp khá thấp”.

Lớp ít cũng năm - bảy em gần như không biết gì, khó có thể theo kịp chương trình, còn lớp nhiều thì con số phải lên hàng chục. Trong thực tế thì hằng ngày lên lớp, những nhà giáo trực tiếp giảng dạy như chúng tôi đang phải nỗ lực vừa dạy kiến thức mới, vừa kèm cặp, phụ đạo cho học sinh yếu kém với mong muốn giúp các em bù được phần nào những lỗ hổng kiến thức trước đó. Tuy thế, kèm cặp học sinh yếu kém để đạt được mức trung bình cũng chẳng đơn giản. Học sinh yếu các môn trừ môn tiếng Việt thì giáo viên kèm cặp còn đỡ vất vả. Những học sinh đã đọc yếu kèm theo kỹ năng viết cũng kém thì những nhà giáo phải thực sự có tâm mới đủ sự kiên trì, đủ lòng kiên nhẫn để kèm cặp giúp các em tiến bộ. Bởi, nếu không trong nghề giáo, bạn sẽ khó mà hình dung ra cảnh vừa hướng dẫn cho em đọc một hai chữ cái hoặc âm vần thì ngay sau đó hỏi lại, có thể các em sẽ chẳng biết gì. Mới hôm nay, còn đọc được bập bõm, chỉ sáng ngày mai hỏi lại sẽ như những kiến thức mới tinh. Thương các em do nhận thức chậm nhưng thầy cô đôi khi cũng nổi nóng và muốn buông xuôi vì sự thiếu quan tâm của cha mẹ học sinh.

Từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, của đồng nghiệp mình, chúng tôi thấy rằng gần như 2/3 học sinh học yếu bậc tiểu học lại rơi vào những gia đình ba mẹ ít quan tâm đến việc học của con (trừ một số em bị thiểu năng hay khuyết tật trí tuệ).

Nói thì thế nhưng phần đông giáo viên chẳng ai bỏ rơi học sinh. Dù bực cha mẹ vì ít quan tâm nhưng các thầy cô cũng luôn làm hết trách nhiệm của mình.

Nên phát động phong trào vượt khó cùng học sinh

Từ trước đến nay, ngành giáo dục đã phát động khá nhiều hội thi và phong trào thi đua. Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách giỏi hay những phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích, những giờ dạy tốt… Những hội thi hay các phong trào thi đua vẫn không nằm ngoài mục tiêu góp phần nâng chất lượng giáo dục của mỗi nhà giáo, từ đó sẽ nâng cao chất lượng học tập của từng học sinh. Tuy thế, trong giai đoạn này, chúng tôi cho rằng, thay vì các giáo viên cứ lao vào chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân để tham gia hội thi mà dành thời gian ấy trực tiếp cho các em học sinh có lẽ sẽ thiết thực, hiệu quả hơn.

Phát động và triển khai thế nào cho thật sự hiệu quả mà không mang nặng hình thức. Trước tiên, nhà trường sẽ phát động phong trào vượt khó cùng học sinh đến tất cả giáo viên trong trường tham gia, kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào cuối năm học. Thứ hai, thành lập ban giám khảo là ban giám hiệu nhà trường cùng một số giáo viên dạy những môn chuyên như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tổng phụ trách (không tham gia phong trào) để mang tính công bằng. Thứ ba, tổng hợp tất cả danh sách học sinh yếu kém từng lớp ở học kỳ 1. Có thể tổ chức khảo sát nhanh để phân nhóm theo mức độ yếu kém của từng môn học. Thứ tư, cuối năm sẽ tổ chức sát hạch riêng những học sinh có trong danh sách một cách nghiêm túc nhất.

Kết quả cuối cùng là những giáo viên đã giúp đỡ thành công được nhiều học sinh yếu kém nhất. Dạy một học sinh khá giỏi thì dễ nhưng dạy được một học sinh từ yếu kém lên trung bình phải trải qua một quá trình gian nan, đầy tâm sức.

Nhận danh hiệu giáo viên giỏi trong một hội thi vẫn thường có tính may rủi như may bốc được bài dễ dạy, bốc được lớp học có nhiều học sinh nhận thức nhanh, có đội ngũ tư vấn bài tốt hay gặp được ban giám khảo hợp gu với cách dạy của mình. Nhưng để kèm được một học sinh yếu kém đạt trung bình lại không hề đơn giản, sẽ không có tính hên xui. Nếu em A. đã không biết đọc, biết viết thì có gặp bài đọc dễ cũng chẳng dễ gì vượt qua.

Sự ghi nhận, vinh danh những thầy cô giáo đã vượt khó cùng học sinh mùa Covid là thật sự cần thiết trong giai đoạn này. Những giáo viên được ghi nhận, vinh danh cũng thật sự xứng đáng. Bởi, thầy cô không nhiệt tình với các em, không tận tâm, tận lực kèm cặp thì chắc chắn những học sinh yếu kém không thể nào tiến bộ được.

PHAN TUYẾT

Related articles
Phụ huynh mong muốn tổ chức bán trú mầm non và tiểu học
Đã gần 2 tháng, các cơ sở giáo dục trong tỉnh mở cửa trường học trở lại để tổ chức dạy học trực tiếp. Đối với bậc học mầm non và tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn. Do vậy, thời điểm này đa phần phụ huynh mong muốn các trường sớm tổ chức hoạt động bán trú trở lại.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên tôn vinh thầy trò cùng vượt khó mùa Covid-19