Người dân nơi đây còn gọi một cách kính trọng là “Nai Thềm” - Bà công chúa Thềm. Bà sinh năm 1911, qua đời năm 1995. Theo văn hóa mẫu hệ, con gái của bà thừa kế ngôi nhà và cổ vật hoàng gia.
Rất may mắn, anh Lư Quốc Thiện là cháu nội của bà có mặt tại nhà đang sửa soạn, trang hoàng lại một số cổ vật, khi biết tôi từ phương xa đến, niềm nở tiếp chuyện và đưa lên xem gian trưng bày cổ vật tại tầng hai. Cháu nội là theo huyết thống bên mẹ, họ Lư của anh là lấy theo họ của cha. Anh cho biết ngôi nhà một tầng này xây dựng năm 1964, theo bà anh kể lại chi phí 200 xe lúa, một loại xe trâu bánh gỗ, tương đương 200 tấn lúa. Ngôi nhà không đồ sộ nhưng vững chắc, tường vôi đã cũ, sàn nhà lót gạch hoa, lối lên cầu thang tráng xi măng như lúc đầu xây dựng. Ngoài một số cổ vật bằng bạc, đồng, gốm còn để trên kệ gỗ, gươm trận và hộp đựng đồ bằng gỗ để ở ngoài, hầu hết đều trưng bày trong tủ kính như sắc phong, trang phục, vật dụng bằng bạc, đồng, trong đó có nhiều klong bằng đồng đựng chín mảnh xương sọ của người quá cố theo phong tục Bàlamôn. Gian phòng như một bảo tàng thu nhỏ. Anh còn chỉ cho tôi hai nơi còn lưu giữ klong nhiều thế hệ của hoàng tộc tại góc sân vườn, dự kiến sẽ xây kut đưa vào. Người Chăm làng Tịnh Mỹ theo Bàlamôn giáo, kut là nghĩa địa bên dòng mẹ lưu giữ chín mảnh xương sọ trong klong.
Theo lời bà kể lại, trong cuộc vận động “Tuần lễ vàng” thời kháng chiến chống Pháp, gia đình đã hiến vương miện của vua Po Klaong Khul và búi tóc của hoàng hậu người Chăm (bà vợ người Việt không có búi tóc bằng vàng) và một số vật dụng bằng vàng cũng đều của triều vua Pô Klong Khul, có giấy tờ ghi nhận nhưng đã thất lạc. Có bài viết cho rằng vua Po Klaong Khul lên ngôi năm 1627, không rõ năm mất.
Vương miện vua Po Klaong Mưhnai. Ảnh: Nguyễn Xuân Lý
Sau khi vua Po Mưh Taha (lên ngôi 1622, mất năm 1627) qua đời, đền thờ ngài được cất trên một động cát cao, tiếng Chăm gọi là “Ghul Mưhnai” (ghul: động cao, mưhnai: cát sỏi) nên thường được gọi là Po Klaong Mưhnai. Hiện nay, đền thờ của ngài tại xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình. Theo Biên niên sử Champa (Sakkarai Dak Rai Patao), trong 37 vị vua vùng Panduranga không có vị vua nào là Po Klaong Mưhnai, vị vua lên ngôi năm 1627 là Po Rome (mất năm 1651), là con rể vua Po Mưh Taha. Vua Po Rome có ba hoàng hậu, trong đó có một hoàng hậu người Việt là công chúa Ngọc Khoa. Phải chăng vua Po Klaong Khul chính là vua Po Rome, vương miện và búi tóc đã hiến trong “Tuần lễ vàng” là của vua Po Rome và hoàng hậu?
Chóp búi tọc hoàng hậu vua Po Klaong Mưhnai. Ảnh: Nam Du
Trang phục hoàng gia Champa. Ảnh: Vũ Hùng
Ngoài vương miện và búi tóc đã hiến, hiện nay gia đình vẫn còn giữ một vương miện của vua Po Klaong Mưhnai và một búi tóc của hoàng hậu đều bằng vàng. Do giá trị đặc biệt của bảo vật này nên được cất giữ riêng, không trưng bày tại đây.
Vật dụng bằng bạc. Ảnh: Vũ Hùng
Bà Thềm là dòng dõi một hoàng tộc Champa vùng Panduranga lâu đời, không phải là hoàng tộc thuộc vương triều cuối cùng của Champa. Vương miện vua và búi tóc hoàng hậu Champa còn lưu giữ tại đây là độc nhất còn lại cho đến nay, có tuổi đời đã 4 thế kỷ.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thềm, một công chúa Champa, hy vọng sẽ trở thành một bảo tàng tư nhân sẽ là điểm đến không chỉ của huyện Bắc Bình mà còn của tỉnh Bình Thuận, thu hút du khách bốn phương thưởng ngoạn cổ vật nguyên bản độc đáo của hoàng gia Champa.