Môi trường biển - nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh

06/07/2023, 05:46

Bình Thuận được biết đến có bờ biển dài gần 200 km, đồng thời tỉnh quản lý vùng lãnh hải, ngư trường rộng 52.000 km2, có đảo Phú Quý ngoài khơi nằm cách thành phố Phan Thiết 120 km và đảo Hòn Hải là điểm để xác định đường cơ sở của vùng biển Việt Nam.

Toàn tỉnh có 7 huyện, thị xã, thành phố ven biển và hải đảo. Nghề cá phát triển từ lâu hình thành nên truyền thống và nét văn hóa nghề cá đặc sắc. Vùng biển Bình Thuận tiếp giáp liên thông với các ngư trường lớn của cả nước như khu vực Trường Sa - Nhà giàn DK1, nên tỉnh có lợi thế phát triển khai thác hải sản trên các vùng biển khơi, xa bờ.

dsc_6437.jpg

Phát huy lợi thế từ kinh tế biển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Bởi lẽ, bình thuận có tiềm năng, lợi thế rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch, năng lượng tái tạo, phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Phát huy những lợi thế đó, những năm qua tỉnh đã xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương nên đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế vốn có. Nhờ sự đổi mới trong công tác quản lý, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách, hàng năm du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng ngày càng nhiều hơn. Không chỉ phát triển về du lịch, ngư trường của Bình Thuận là những ngư trường lớn của cả nước, có nguồn lợi hải sản phong phú. Đặc biệt, Bình Thuận đã bước đầu phát huy hiệu quả mô hình khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế biến, bảo quản sản phẩm trên biển, xây dựng mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản. Nhờ đầu tư tàu công suất lớn bám biển dài ngày, hàng năm ngư dân Bình Thuận khai thác khoảng 180.000 tấn hải sản các loại. Cùng với đó, nghề nuôi trồng thủy đặc sản, sản xuất, tiêu thụ tôm giống cũng phát triển mạnh, hàng năm sản lượng nuôi trồng ước đạt gần 15.000 tấn và sản xuất, tiêu thụ hơn 2 tỷ con tôm giống. Bình Thuận là tỉnh đi đầu cả nước trong phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần thu mua hải sản trên biển với hơn 100 tàu công suất lớn, chuyên thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa, Nhà giàn DK1… Nhờ khai thác hiệu quả kinh tế biển đến nay Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm du lịch biển lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, Bình Thuận hiện là 1 trong 3 ngư trường khai thác hải sản lớn nhất của cả nước. Bên cạnh đó, khoáng sản ven biển của tỉnh khá phong phú, nhất là cát đen, cát thạch anh, dầu khí… Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay đã hoàn thành nhiều công trình đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, liên kết giữa các vùng trong tỉnh, đặc biệt là giao thông, kè biển, cảng biển…

Phát triển kinh tế biển toàn diện và bền vững

Vùng biển Bình Thuận chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế, nhưng để biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp tích cực, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển toàn diện, bền vững kinh tế biển gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế động lực quan trọng thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để thực hiện được điều đó tỉnh Bình Thuận đã triển khai kế hoạch thực hiện đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ phối hợp, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, sử dụng đất… để thu hút đầu tư và liên kết hợp tác các tỉnh với nhau hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển, khu công nghệ cao, đô thị lớn ven biển. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và cơ sở vật chất hạ tầng cho ngành du lịch và các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo của tỉnh, kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, khu công nghệ cao, đô thị du lịch biển gắn với không gian phát triển các khu cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh. Phối hợp các cấp, ngành và các tỉnh, thành phố ở vùng biển các tỉnh Đông Nam bộ mở rộng thực hiện lồng ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Chú trọng bố trí quy hoạch, sắp xếp các khu vực, không gian hoạt động ven biển theo ngành kinh tế biển. Sắp xếp, bố trí kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, liên kết không gian phát triển các khu cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư. Tạo lập cơ chế, chính sách thông thoáng cho phát triển và cộng tác giữa các doanh nghiệp trong ngành kinh tế biển và liên quan đến kinh tế biển trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh thiết lập, mở rộng quan hệ đối tác, tham gia vào mạng lưới cụm liên kết ngành kinh tế biển. Đồng thời củng cố, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo, bảo vệ an toàn, an ninh, bảo vệ quyền hoạt động trên biển theo pháp luật Việt Nam. Nghiên cứu cơ chế phối hợp, liên kết các thành phần trong phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh biển đảo.

THANH QUANG

Related articles
Khắc phục hậu quả do mưa lớn, lũ quét
Sáng 3/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện Hàm Thuận Nam thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra lũ quét cục bộ, gây thiệt hại 500 triệu đồng về sản xuất nông nghiệp và công trình thủy lợi.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Môi trường biển - nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh