Miếu Hải Tân: Nơi sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng

15/03/2022, 06:28

Nằm ở khu phố Hải Tân 2, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, miếu Hải Tân được tạo dựng để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh và các vị thần linh khác nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

z3247708952821_86b45c71a7ed2dd776832c92e3346448(1).jpg

31 sắc phong được các đời vua phong tặng

Nằm trong quần thể kiến trúc bề thế, trang nghiêm, miếu Hải Tân là nơi có giá trị tư liệu quý giá về sắc phong và nghi lễ cúng tế. Bao năm qua, ngôi miếu vẫn mang vẻ cổ kính với những mảng chạm rồng, mây, hoa, lá cỏ cây tuyệt đẹp, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng, kết cấu bộ khung được lắp ghép bằng những loại gỗ quý, phía trước có cổng tam quan tường xây đá tổ ong trộn vôi vữa.

Theo các tư liệu Hán Nôm lưu giữ trong một số họ tộc lớn ở Phan Rí Cửa, miếu Hải Tân được người Việt tạo dựng ban đầu bằng tranh lá đơn sơ tại chợ Cũ, thuộc địa phận làng Hải Bình vào cuối thế kỷ XVIII. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), miếu được dời về làng Hải Tân (vị trí hiện nay), thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh đế và các vị thần linh có công khai phá, tạo dựng vùng đất này. Lúc bấy giờ quần thể kiến trúc của miếu liên tục được bồi đắp, tôn tạo ngày càng khang trang và trở thành nơi gửi gắm niềm tin, làm chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhiều thế hệ người dân làng biển Hải Tân và các làng phụ cận trên vùng đất Phan Rí.

Miếu Hải Tân từ lúc tạo dựng đến nay đã được nhiều thế hệ người dân xã Hải Tân cũ đổ mồ hôi, công sức, tiền của để duy trì các hoạt động lễ hội, trùng tu tôn tạo cũng như trang bị nhiều hiện vật có giá trị văn hóa tinh thần lẫn nghệ thuật, mỹ thuật. Đây là những hiện vật mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị vật chất gắn chặt với đời sống văn hóa tâm linh của người dân trong vùng. Nhiều nhất và chứa đựng giá trị văn hóa tinh thần đáng kể nhất trong số các hiện vật lưu giữ tại miếu Hải Tân phải nói đến 31 sắc phong được các vua triều Nguyễn ban tặng cho các vị thần linh thờ phụng tại di tích. Trong đó, đời vua Thiệu Trị đã phong tặng cho các vị thần thờ tại miếu có tổng cộng 18 sắc phong, đời vua Tự Đức phong tặng 9 sắc phong, đời vua Đồng Khánh phong tặng 1 sắc phong, đời vua Duy Tân phong tặng 2 sắc phong và đời vua Khải Định phong tặng 1 sắc phong. “Tất cả các sắc phong đều viết bằng chữ Hán Nôm trên giấy kim tiền màu vàng nhạt, nền ẩn hiện hình tượng rồng múa lượn tượng trưng cho uy quyền của các vua triều Nguyễn và có đóng dấu ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Người dân trong làng xưa nay luôn xem các sắc phong là vật linh thiêng, luôn cất giữ cẩn thận ở những vị trí trang trọng, không tùy tiện mở ra xem, chỉ được phép mở ra vào các kỳ tế lễ hoặc làm một việc gì đó rất cần thiết. Đặc biệt, trước khi đưa các sắc phong xuống để mở ra xem phải trưng lễ vật, chánh bái thắp hương đèn xin phép các vị thần”, ông Bùi Châu – Trưởng Ban quản lý miếu Hải Tân chia sẻ.

Sinh hoạt văn hóa dân gian

Cũng như bao di tích khác ở Bình Thuận, hàng năm tại miếu Hải Tân diễn ra 2 kỳ lễ hội chính, tế xuân vào ngày 16/2 ÂL và tế thu vào ngày 16/8 ÂL để dâng tế và khấn cầu các thần linh bảo trợ cho dân làng. Bên cạnh đó, còn có nghi lễ cúng tế Quan Thánh vào ngày 24/6 ÂL, đợt tế lễ lớn diễn ra vào ngày Thanh minh tháng 3 ÂL. Ngoài ra, những năm gần đây, tại miếu còn tổ chức trò chơi dân gian - chơi bài Chòi vào những ngày Tết Nguyên đán. Tế lễ tại miếu Hải Tân mang những nét chung là sự sùng bái các vị thần linh được suy tôn, thờ phụng tại miếu, khẳng định nguồn gốc cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống và sự giải thiêng trong tâm lý. Đến kỳ tế lễ, các cụ cao niên trong Ban quản lý di tích có am hiểu về lễ hội, tập tục truyền thống đứng ra huy động nhân dân trong làng góp công sức, tiền của, cùng nhau mua sắm lễ vật. “Đặc biệt, người dân trong làng luôn có tinh thần, ý thức rất cao, xem kỳ tế lễ tại di tích là trách nhiệm như cúng tổ tiên, ông bà mình vậy. Do đó, các kỳ tế lễ tại miếu, người dân luôn vui vẻ tự nguyện đóng góp, không chỉ người Việt địa phương mà còn có người Hoa ở các vùng lân cận cũng đến tham gia cúng tế. Người góp công, người góp của và cùng đến khấn vái Quan Thánh, gửi gắm niềm tin vào các vị thần cầu mong những điều may mắn, bình an trong cuộc sống, phúc lộc đầy nhà, ông Châu cho biết thêm.

MINH VÂN

Related articles
Phú Quý chuẩn bị cho Giải đua xe đạp lần thứ II – 2022
Sau thành công của giải đua xe đạp huyện Phú Quý mở rộng lần I, hồi tháng 4/2021 là động lực để huyện đảo tiếp tục tổ chức lần tiếp theo. Còn nhớ, mùa giải năm đó, với chủ đề “Khám phá đảo Ngọc”, đã giúp cho huyện đảo vốn bình lặng, đã được khuấy động trong bầu không khí sôi nổi đúng dịp giải phóng huyện đảo Phú Quý.

(0) Comments
Focus
Bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển trước gió mạnh
BTO-Tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ đêm nay (26/12), khu vực Bắc Biển Đông, giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau (trong đó có Bình Thuận), vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động, sóng biển cao từ 3 - 6 m.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miếu Hải Tân: Nơi sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng