Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nêu vấn đề: “Các đại biểu ngồi ở đây có ít nhất một vài lần nhận các cuộc gọi từ số điện thoại lạ lừa đảo giả danh là cán bộ cơ quan này, tổ chức kia yêu cầu thế này thế khác. Và trong thực tế, có nhiều người dân kể cả cán bộ công chức bị lừa với số tiền rất lớn. Trong thời gian qua các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông bằng những biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật đã quyết liệt xử lý đối với các đối tượng trên. Tuy nhiên, cho đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để. Do vậy đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng có các giải pháp thật sự hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên”...
Sở dĩ có chuyện lừa đảo trên không gian mạng lên đến nghị trường Quốc hội là bởi nhiều địa phương trong nước đã và đang xảy ra hàng trăm vụ “bỗng dưng tài khoản bị mất tiền”, giả danh cán bộ ngân hàng khuyến mại làm thẻ tín dụng, làm thẻ thấu chi, cho vay tiền lãi suất thấp. Rồi đến việc giả danh cán bộ của Bộ Công an, cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát hù dọa người dân chuyển tiền để kiểm chứng. Vậy là sau đó người dân mất tiền oan, người ít thì vài chục triệu đồng, nhiều thì vài tỷ đồng thậm chí là vài chục tỷ đồng.
Vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành khác mà ngay ở Bình Thuận cũng đã có nhiều người bị lừa. Một số giáo viên ở Tánh Linh, La Gi và các huyện khác bị kẻ xấu mạo danh cán bộ ngân hàng A. C. B “dẫn dụ” làm thẻ tín dụng với hạn mức cao từ 100 – 300 triệu đồng, lãi suất thấp nhưng để được làm phải đóng thế chân trước từ 20 – 60 triệu đồng. Thế nhưng khi chuyển tiền xong bọn lừa đảo tắt điện thoại, chặn tất cả giao dịch, vậy là mất tiền. Mới đây nhất là ở La Gi chị T. gửi tiết kiệm 2 tỷ đồng ở ngân hàng V. khi nghe đại diện cho ngân hàng V. gọi làm thẻ thấu chi, mặc dù chị chưa đồng ý nhưng sau đó trong tài khoản của chị bị trừ 100 triệu đồng. Khi thấy tài khoản “bỗng dưng bị mất” vô lý, chị T. gọi cầu cứu ngân hàng ngăn chặn giao dịch tài khoản. Qua làm việc, bước đầu tiên ngân hàng đã trả lại tiền cho chị T. đồng thời truy xuất tìm nguyên nhân sai phạm từ đâu, không loại trừ có thể kẻ lừa đảo mượn danh vừa là cán bộ ngân hàng, vừa là chị T. để làm hồ sơ rút tiền. Một cán bộ ngân hàng V. cho hay là “còn may” bởi hạn mức rút tiền của chị T. tối đa là 100 triệu đồng, nếu hạn mức 2 tỷ đồng, bọn xấu rút hết tiền của chị T. trong tài khoản tiết kiệm thì không chỉ chị T. mà cả ngân hàng T. cũng là nạn nhân. Mấy ngày nay Phan Thiết lại xôn xao chuyện bác sĩ nổi tiếng N. bị kẻ xấu hack Zalo sau đó gọi mượn tiền bạn bè là những cán bộ trong tỉnh. Nhiều người đã chuyển tiền, ít thì 20 triệu đồng còn nhiều thì cả trăm triệu đồng nhưng khi hỏi lại bác sĩ N. đã nhận được tiền chưa sao không “ok” thì ai cũng “ơ, a” vì bác sĩ N. không biết gì cả…
Chỉ trong vòng 2 tháng 4 và 5, Bình Thuận đã ngăn chặn kịp thời 3 vụ lừa đảo với số tiền lớn, điển hình là ngày 9/4/2024, khách hàng Đ. (SN 1956 ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam) bị đối tượng lừa chuyển số tiền 1,8 tỷ đồng, được Agribank chi nhánh Hàm Mỹ kịp thời phát hiện, phối hợp Công an xã Hàm Mỹ ngăn chặn. Ngày 12/4/2024, khách hàng H. (SN 1954 ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) bị đối tượng lừa chuyển số tiền 450 triệu đồng, được BIDV chi nhánh Bình Thuận kịp thời phát hiện, phối hợp PA 05-Công an tỉnh ngăn chặn. Ngày 3/5/2024, khách hàng N. (SN 1958 ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) bị đối tượng lừa chuyển số tiền 3,2 tỷ đồng, được Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc kịp thời phát hiện, phối hợp Công an thị trấn Ma Lâm ngăn chặn. Đây là bề nổi còn việc “tảng băng chìm” với nhiều người bị lừa nhưng không có chứng cứ, không vi bằng nên không tố giác đang âm ỉ chưa “lòi” ra…
Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhưng vẫn chưa được giải đáp là vì sao bọn tội phạm dám mượn danh các cơ quan “đầu não” phòng, chống và xử lý tội phạm như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát nhưng vẫn không xử lý triệt để được để giúp dân? Thế mới có câu chuyện lừa đảo trên không gian mạng lên đến nghị trường Quốc hội.