Trước thách thức ấy, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều đang nỗ lực để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, duy trì tối đa việc mở cửa trường học. Đồng thời, nhanh chóng điều chỉnh sang học trực tuyến khi cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ chương trình dạy học theo kế hoạch.
Chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp
Năm học 2021 – 2022, Trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Hàm Thuận Bắc) có 1.040 học sinh. Thực hiện chủ trương mở cửa trường học trở lại từ ngày 7/2/2022 của ngành giáo dục, nhà trường đã chủ động xây dựng phương án dạy học trong trường hợp dịch bệnh xảy ra dựa trên hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, địa phương và ngành y tế. Đến nay toàn trường có 12 học sinh ở 3 khối học 10, 11, 12 và 8 giáo viên nhiễm Covid-19. Thầy Lương Văn Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh cho biết: “Dựa trên hướng dẫn của ngành giáo dục, trường xây dựng kế hoạch, phương án dạy học linh hoạt thích ứng với tình hình dịch Covid-19 nhằm duy trì việc dạy học đảm bảo chương trình theo kế hoạch. Các trường hợp F0 trong trường học được nhà trường xử lý theo quy định. Tuy nhiên những F1 là giáo viên nếu nghỉ cách ly ở nhà thì sẽ thiếu giáo viên khiến nhà trường gặp khó khăn khi tổ chức dạy học trực tiếp. Do vậy, nhà trường đã chủ động trang bị 6 phòng học trực tuyến để giáo viên F1 có thể dạy học bằng phương thức trực tuyến và học sinh F1 được cập nhật kiến thức, không gián đoạn việc học”. Như vậy, bên cạnh tổ chức dạy học trực tiếp, Trường THPT Nguyễn Văn Linh đã linh hoạt kết hợp hình thức dạy học trực tiếp với trực tuyến khi cần thiết.
Còn tại Trường THCS Nguyễn Du (TP. Phan Thiết) có 2.078 học sinh/49 lớp. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng linh hoạt, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, phù hợp với tình hình hiện tại. Từ khi tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 7/2 đến nay, toàn trường có 75 học sinh và 7 giáo viên là F0. Khi lớp học xuất hiện ca nghi nhiễm Covid - 19, nhà trường báo cho y tế địa phương, phối hợp với phụ huynh, đồng thời kích hoạt quy trình xử lý khi có F0 xuất hiện tại trường theo quy định. Để học sinh không bị gián đoạn việc học, nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến đối với những trường hợp học sinh F0, F1 cách ly ở nhà.
Mầm non, tiểu học dạy học 1 buổi/ngày
Đối với cấp tiểu học và mầm non, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đang thực hiện dạy học 1 buổi/ngày và không tổ chức bán trú theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 có chiều hướng gia tăng khiến nhiều trường học linh hoạt thực hiện các phương thức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tại Trường TH Tân Phúc 1 (huyện Hàm Tân) có 435 học sinh/15 lớp. Từ sau Tết Nguyên đán nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 trong trường học có chiều hướng gia tăng. Sau Tết Nguyên đán đến nay toàn trường có 15 học sinh và 4 giáo viên mắc Covid-19. Theo lãnh đạo trường, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Ban giám hiệu trường đã xin ý kiến của ngành giáo dục, địa phương chuyển phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 7/3 nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho các em vì đây là lứa tuổi chưa được tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19. Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, trường sẽ xin ý kiến cấp trên để mở cửa trường học trở lại.
Còn đối với bậc mầm non, việc tổ chức dạy học 1 buổi/ngày khiến nhiều phụ huynh không có điều kiện, sắp xếp được thời gian để đón trẻ. Do đó, tỷ lệ trẻ đến trường còn thấp. Cô Thông Qua Thị Nhâm – Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Phú (huyện Tuy Phong) chia sẻ: Cái khó khi tổ chức dạy học 1 buổi là nhiều phụ huynh đi làm cả ngày hoặc nhà ở cách xa trường nên không thể đón đưa trẻ học 1 buổi. Do vậy, tỷ lệ trẻ đến trường mới chỉ đạt 45 – 50%.
Nhìn chung, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đang tích cực khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo, chủ động tổ chức phương thức dạy học phù hợp để duy trì dạy và học linh hoạt, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 vừa cung cấp kiến thức cho học sinh.