Tại buổi lễ, các bộ phận hành lễ như Chánh tế, Bồi tế, đội bát âm, học trò lễ y phục chỉnh tề lần lượt tiến hành các nghi thức theo trình tự cầu mong Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền phù hộ, độ trì cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống người dân được bình an và hạnh phúc.
Đình Tú Luông được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX, trùng tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 24 (năm 1871) để thờ thần Thành hoàng bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền. Trong tổng thể chung, đến nay đình còn lưu giữ khá nguyên vẹn sắc thái vốn có ban đầu từ kết cấu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, cho đến nghệ thuật trang trí trên nóc, mái đình đều thể hiện rõ đặc trưng của lối kiến trúc dân gian truyền thống. Đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ trên các khám thờ, hương án, bao lam... và cách bài trí bên trong nội thất nhất loạt đều tuân thủ theo những quy ước dân gian gắn liền với tập tục và tâm niệm của xã hội đương thời.
Đình Tú Luông còn lưu giữ nhiều di vật cổ xưa trong đó có di sản Hán Nôm quý, gồm 10 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng và những bản hương ước của làng khắc chạm trên gỗ. Tại đây hàng năm diễn ra 2 nghi lễ chính vào dịp Xuân Thu nhị kỳ: tế Xuân vào ngày 12 tháng 2 và tế Thu vào ngày 12 tháng 8 âm lịch, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự kính trọng và biết ơn của hậu thế đối với tiền nhân. Đồng thời là dịp để nhân dân được ôn lại truyền thống lao động, đấu tranh và công ơn của tổ tiên.
Đình đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số 38/2001/QĐ-BVHTT ngày 12/ 7/2001.