Tham gia góp ý trực tiếp với Đoàn ĐBQH tỉnh có đại diện các cơ quan, ban ngành, đơn vị, hội ngành nghề liên quan trên địa bàn Bình Thuận.
Tại hội nghị, đa số ý kiến đều cơ bản thống nhất với dự thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự của Quốc hội.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đóng góp về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư như “Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31” và “Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 32”. Theo đó cho rằng chỉ quy định dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất (từ 300 ha trở lên/dưới 300 ha) và đề nghị không quy định quy mô dân số (từ 50.000 người trở lên/dưới 50.000 người) vì khó có cơ sở xác định…
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, dự thảo có bổ sung Điều 34a sau Điều 34: “… Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi”…
Về nội dung này, có ý kiến cho rằng đây là hướng mở nhưng cũng e ngại tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, bởi nếu tiến hành thực hiện trước một số việc nhưng khi ký kết bất thành thì sẽ gây lãng phí, nên cần có hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra đại diện một số ban ngành, đơn vị, hội ngành nghề cũng tham gia góp ý về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan công tác chuyên môn như: Luật Thi hành án dân sự, Luật Đầu tư công, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…
Các ý kiến góp ý tại cuộc họp sẽ được Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tiếp thu, tổng hợp báo cáo lãnh đạo đoàn và trên cơ sở đó tiếp tục xem xét, nghiên cứu để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ I của Quốc hội diễn ra vào đầu năm 2022.