Lập lại trật tự khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng

02/07/2019, 08:29

BT- Bình Thuận được đánh giá là địa phương có tiềm năng về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát, sét gạch ngói, đất đá san lấp... Thời gian qua công tác kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường được các địa phương, cơ quan chức năng triển khai khá tích cực.

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức trên 30 cuộc kiểm tra, phát hiện 28 trường hợp vi phạm, xử phạt 20 trường hợp; Đoàn kiểm tra liên ngành của 9 huyện kiểm tra, xử lý 777 trường hợp với tổng số tiền 4,747 tỷ đồng; Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh xử lý 11 vụ; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng xử lý 8 trường hợp vi phạm… Tất cả các vụ vi phạm do báo chí phát hiện đều được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý rốt ráo.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, sỏi vẫn diễn biến khá phức tạp ở một số nơi; các đối tượng khai thác khoáng sản ngày càng manh động, xem thường pháp luật, chống đối lực lượng chức năng như một số vụ việc xảy ra gần đây tại Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh…

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan do nhu cầu sử dụng cát, đá, sỏi làm vật liệu xây dựng, san lấp các công trình ở trong và ngoài tỉnh ngày càng lớn trong khi nguồn cung không đáp ứng được. Vì thế các đối tượng khai thác trái phép bằng các thủ đoạn tinh vi, manh động, bất chấp pháp luật để thu lợi bất chính. Về chủ quan là một số địa phương chưa chủ động phát hiện hoặc báo cáo cấp trên chỉ đạo, ngăn chặn, xử lý kịp thời; chưa thực hiện hết trách nhiệm được giao, nhất là cấp cơ sở; có nhiều khu vực hoạt động khai thác diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn dứt điểm.

Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trên, tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã; phải vào cuộc quyết liệt, phát huy vai trò cơ sở, nhất là cấp xã trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Nắm cụ thể các khu vực, điểm nóng trên địa bàn, nhất là các vị trí tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Trên cơ sở đó lập danh sách các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn và xây dựng kế hoạch cụ thể từng khu vực, từng xã để tuyên truyền, vận động, đấu tranh với từng đối tượng vi phạm.

Các đoàn liên ngành tỉnh, huyện và cấp xã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý có hiệu quả các điểm nóng, các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái phép. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường mở các chuyên án đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi trái phép. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là các đối tượng vi phạm nhiều lần, chống người thi hành công vụ. Nếu đủ điều kiện thì chuyển sang xử lý hình sự để cảnh báo, răn đe.

Giải pháp có tính căn cơ, bền vững là bảo đảm nguồn cung và góp phần giải quyết tình trạng khai thác trái phép. Ngành Tài nguyên & môi trường tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đối với những mỏ đã được công nhận kết quả trúng đấu giá thì phải đôn đốc triển khai để phục vụ nhu cầu thị trường. Tập trung rà soát các mỏ chậm triển khai để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nếu có; nếu chậm không có lý do chính đáng cần được thu hồi để đưa ra đấu giá lại cho đơn vi có năng lực thực hiện.

Đối với các địa phương cần chủ động rà soát lại các sông, suối trên địa bàn để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết khai thác tận thu đối với những khu vực cần nạo vét, khơi thông dòng chảy để vừa bảo đảm an toàn cho người dân sống tại khu vực trong mùa mưa lũ, vừa tận dụng để đáp ứng một phần nhu cầu về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của địa phương.

Thế Nam


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lập lại trật tự khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng