Gia đình là tổ ấm nếu mỗi thành viên biết vun đắp, chắt chiu, san sẻ cùng nhau những niềm vui, hạnh phúc của riêng mình. Đằng sau thành công của người chồng có bóng dáng của người vợ, còn thành công của người vợ có sự hỗ trợ, ủng hộ của người chồng, con cái hiếu thảo, chăm ngoan, anh em thuận hòa… Vậy là đã có một mẫu hình gia đình ví như “tổ ấm”. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cuộc sống vốn dĩ muôn màu muôn vẻ, có muôn ngàn lý do và những tác nhân khiến cho nền móng gia đình tưởng chừng vững chãi lại dễ dàng sụp đổ. Đó là khi “cái tôi” trong mỗi con người quá lớn, chỉ cần một chút “quá đà” của người chồng, hay một chút vô tâm của người vợ cũng dễ dàng làm lung lay cuộc hôn nhân. Hay khi thiếu sự dạy dỗ tận tâm của cha mẹ thì trong gia đình ấy, cha mẹ chỉ có công sinh thành mà thiếu đi trọng trách giáo dưỡng.
Nhiều người vẫn phàn nàn hiện nay mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là những gia đình ở đô thị đang ngày một lỏng lẻo. Có những gia đình “trên không thuận dưới không hòa”, vợ chồng sống trong “chiến tranh lạnh”. Bố con, anh em sống trong một mái nhà nhưng ít khi nhìn thấy mặt nhau, đến bữa cơm chung cả gia đình cũng hiếm. Không ít những vụ việc đáng buồn đã xảy ra, như anh chị em ruột, thậm chí là cha con, mẹ con... chỉ vì lợi ích kinh tế mà dẫn đến xung đột, tranh chấp, kiện tụng nhau. Đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao, sống chung không kết hôn, trẻ em nghiện hút…
Nhìn lại những hình ảnh ấy, mọi người lại suy xét phải chăng gia đình hạt nhân đang trở nên phổ biến ở các đô thị và cả ở nông thôn, thay cho kiểu gia đình truyền thống. Nơi ấy trước kia cùng chung sống từ 3 thế hệ trở lên: Ông bà - cha mẹ - con cái, mà vẫn quen gọi là “tam, tứ, ngũ đại đồng đường”.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, cùng với những vận động và biến đổi của xã hội, gia đình Việt Nam chịu những tác động không nhỏ mà ở đó gia đình hạt nhân là xu hướng lựa chọn phổ biến. Gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Gia đình hạt nhân mô hình nhỏ gọn giúp cho mỗi thành viên trong gia đình có không gian riêng, được trải nghiệm, được thỏa mãn những nhu cầu riêng tư, tôn trọng quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên. Mỗi thành viên trong gia đình hạt nhân đều có cơ hội phát triển sự nghiệp.
Trong duy trì cuộc sống gia đình, người trẻ cũng rất biết cách tạo nên những niềm vui cho gia đình nhỏ của mình. Với những tư duy mới, họ có cách nuôi dạy con mới mẻ, phóng khoáng, lập nên những quy tắc trong gia đình thú vị, khiến các thành viên đều cảm nhận được niềm vui, cho những đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương và sự giáo dục văn minh. Đơn cử như không nhất thiết phải quây quần ngày 3 bữa bên mâm cơm nhưng họ biết dành thời gian cho nhau vào bữa tối hay ngày cuối tuần. Thưởng cho nhau và cho con những chuyến du lịch trong năm. Hay đơn giản, ngày cuối tuần cả nhà chở nhau trên chiếc xe máy đi ăn sáng, uống cà phê… Nhờ vậy, cha mẹ có thể nắm bắt tâm lý các con, tìm cách thức giáo dục con phù hợp. Đó cũng là nền tảng bảo tồn nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.
Qua đó để thấy không có mô hình nào lý tưởng cho mỗi gia đình. Cho dù là gia đình truyền thống hay gia đình hiện đại thì vẫn không thể thiếu được “chất keo” của sự đùm bọc, yêu thương và chăm sóc nhau của mỗi thành viên. Vì thế, mỗi người hãy là những ngọn nến lung linh để thắp sáng lửa ấm thiêng liêng trong chính gia đình mình. Hãy sống vì nhau, vì những người thân của mình. Và chỉ có yêu thương mới là sợi chỉ đỏ, dẫn lối cho mỗi thành viên đi.