Kiểm soát hoạt động nghề cá

25/02/2021, 09:05

BT- Đây là 1 trong những nội dung trọng tâm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thời gian qua, các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trong tỉnh đã thực hiện công tác này khá hiệu quả.

                
      Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá – cảng cá Phan Rí Cửa.

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, có 3 cảng cá chỉ định phục vụ công tác hậu cần nghề cá và xác nhận nguồn gốc khai thác hải sản (Tuy Phong, Phan Thiết – Phú Hài và La Gi). Năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập 3 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 3 cảng cá. Tuy nhiên đến tháng 4/2020, 2 cảng cá Tuy Phong, La Gi bị đưa ra khỏi cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc khai thác hải sản, do cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm cảng cá. Đại diện BQL cảng cá La Gi cho biết, chỗ neo đậu tàu thuyền chật hẹp, mặt bến cảng hư hỏng nặng đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Không chỉ vậy, việc thực hiện ghi nhật ký khai thác còn nhiều bất cập, việc quản lý sổ sách, khai báo của các tàu chưa đầy đủ…

Thực hiện Thông tư 21/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng đại diện đã xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập/rời cảng từ BQL cảng cá, đối chiếu với danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp, cập nhật vào sổ theo dõi tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản qua cảng. Nhờ đó, trong năm qua, 3 Văn phòng đại diện cảng cá đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, thu về kết quả khả quan. Điển hình như, Văn phòng đại diện cảng cá Tuy Phong đã phối hợp với Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong tổ chức 57 lượt tuần tra, kiểm tra tại cửa sông và ven biển, kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi chưa hoàn tất các thủ tục như chưa đánh dấu tàu cá, không trang bị thiết bị hành trình. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng tuần tra, kiểm tra trên biển sẽ xử lý theo Nghị định 42 của Chính phủ. Trong năm, đã kiểm tra 428 tàu cập cảng, 622 tàu rời cảng; lập biên bản xử lý 54 trường hợp với các vi phạm: không đăng ký tàu cá, không chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, không báo trước 1 giờ cho BQL cảng cá trước khi tàu cập cảng… Tổng số tiền xử phạt là 135 triệu đồng.

Không chỉ vậy, thông qua công tác tuyên truyền đến từng tàu cá, hộ gia đình, đa phần ngư dân đã nhận thức tốt và bước đầu tự giác thực hiện các quy định. Công tác phối hợp giữa các lực lượng, cơ quan, đơn vị được tăng cường và ngày càng phát huy hiệu quả. Để cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Thủy sản Huỳnh Văn Thải cho biết, thời gian tới các Văn phòng đại diện cảng cá sẽ tăng cường phối hợp với biên phòng, BQL cảng cá thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu, cảnh báo nghiêm khắc mức phạt và kiên quyết không cho tàu xuất bến nếu chưa lắp đặt thiết bị VMS. Kiểm tra, xử lý thuyền trưởng tàu cá và thực hiện nghiêm việc khai báo khi ra vào cảng cá, ghi nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định.

Đồng thời, ông Thải kiến nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường lực lượng phối hợp những lúc cao điểm. Bổ sung nhân lực cho các Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá để tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các bãi ngang… Ngoài ra, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm đến hạ tầng 2 cảng cá Tuy Phong và La Gi, để sớm đưa 2 cảng cá vào lại danh sách chỉ định xác nhận nguồn gốc khai thác hải sản. Có như vậy, hiệu quả chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh mới chặt chẽ và rõ nét hơn.

M.Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát hoạt động nghề cá