Khúc ca mùa hè

19/08/2022, 06:03

Có rất nhiều ca khúc viết về mùa hè, một số bài hát hè đi qua một lần rồi trở thành bài hát của dĩ vãng và cũng có không ít ca khúc hè thân quen đã trở thành kỷ niệm mỗi khi hè đến khó quên.

Những ca khúc đã từng đi qua chúng ta một thời như: Mùa hạ hồng (Phạm Duy), Kỷ niệm nào buồn (Hoài An), Mùa chia tay (Duy Khánh), Hè về (Hùng Lân)…

Nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” không phải của một mình nhạc sĩ Thanh Sơn, mà có cả nhạc sĩ Lê Dinh viết lời. Nhưng người nghe thật vô tình dẫn đến bất công, là chỉ biết Thanh Sơn mà thôi. Tại sao? Thật khó đi tìm nguồn gốc lý do của vấn đề này. Cho nên mỗi lần nhắc đến “Nỗi buồn hoa phượng” người ta nghĩ ngay đến Thanh Sơn và ngược lại!

Mùa hè, tùy theo phong tục tập quán nghỉ hè của mỗi quốc gia. Riêng ở Việt Nam thì mùa hè thường dành để nói đến những người còn cắp sách đến trường. Học sinh mỗi năm trông đến hè. Ngồi trong lớp, nhìn qua cửa sổ thấy phượng nở hoa là biết hè về.

Mùa hè đã là mùa nóng bức, mưa bão, mùa của oi ả, hầm hập nóng đổ mồ hôi mùa của những cơn mưa bất lình thình, bầu trời xám xịt những đụn mây đến rồi đi, mùa nóng làm vạn vật như ngừng thở, cỏ cây hoa lá úa màu… Nhưng mùa hè lại đem đến cho văn - nghệ - sĩ những cảm xúc để viết nên những tác phẩm khó quên, không phải chỉ trong lĩnh vực ca khúc mà còn có hội họa, thơ văn… Có một bài hát viết về hè lâu lắm. Nhạc phẩm này có tên là “Khúc ca mùa hè” của nhạc sĩ Canh Thân. Một chút về lý lịch trích ngang của ông.

Canh Thân, là một nhạc sĩ tiền chiến, sinh năm 1920 tại Hải Phòng, mất năm 1970 tại Sài Gòn. Ông viết chừng 50 ca khúc. Trong số này có một nhạc phẩm nổi tiếng từ lúc mới ra đời năm 1947: Cô hàng cà phê. Đây là một bài hát nói theo cách nói lúc ấy là bài “hit”, nhưng không biết tại làm sao bài hát này được hát vang trong thời kháng chiến, nhưng đến đình chiến 1954 thì không ai hát nữa? “… Ở chợ Dầu có hàng cà phê/ Có một cô nàng bé bé xinh xinh/ Cô hay cười hồn xuân phơi phới/ Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi/ Làn thu ba cô liếc nghiêng thành/ Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình/ Làm say mê bao gã thiếu niên đa tình/ Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô/…”. Nhắc một chút để thấy rằng nhạc sĩ Canh Thân để biết ông là một nhạc sĩ tiền chiến “có nghề” vì chỉ từ lúc nền âm nhạc Việt Nam phôi thai từ năm 1938 đến năm 1947, một thời chưa tới 10 năm mà ông viết “Cô hàng cà phê”, một bài hát đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiếp theo ông viết “Khúc ca mùa hè”, một bài hát nổi tiếng của những năm trong chiến tranh, không riêng gì học sinh mà tất cả những ai quan tâm đến mùa hè đều hát được. “… Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn/ Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn/ Về đây nghe bao câu hát du dương mơ màng/ Và về đây tắm ánh sáng trăng huy hoàng/ Khúc ca mùa hè/ Lắng trong chiều về/ Vang trong đêm êm đềm thánh thoát/ Ngân nga tiếng ai ca/ Khúc ca mùa hè/ Gió xa dồn về/ Lướt, lướt qua bên hè/ Nghe như ru như gợi tình thơ/ Nghe như thấy lâng lâng bừng một trời mơ/ Những cánh bướm khoe màu thắm/ Bay lao xao trong ngàn hoa/ Lữ khách đứng thẩn thờ ngắm/ Cuộc đời vui tươi như nơi thiên đàng/ Nhịp đàn hòa theo khúc ca mùa hè/… Ta lắng nghe/ Nhạc đón yêu thương về/ Một mùa đầy hoa ngát hương/…”. Nghe lại trong những âm thanh rộn ràng, những tiếng ca đầy sắc màu trong ban hợp ca Văn Phụng tấu lên khúc hát “Khúc ca mùa hè” ta thấy bài hát được viết từ một thời rất xa xưa, nhưng lời ca tiếng nhạc nghe rất gần, gần như mỗi năm chúng ta có một mùa hè.

TRẦN HỮU NGƯ

Related articles
Khai mạc Hội diễn “Tiếng hát miền Đông”
Tối 17/8, lễ khai mạc Hội diễn nghệ thuật không chuyên “Tiếng hát miền Đông” đã diễn ra tại sân khấu Trung tâm VH tỉnh Tây Ninh thu hút đông đảo công chúng đến xem và cổ vũ. Hội diễn do Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khúc ca mùa hè