Đón hơn 15.000 lượt khách
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ban Quản lý KDT đã tổ chức tiếp đón, phục vụ hơn 15.000 lượt khách đến viếng, tham quan, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm. Khách tham quan là người địa phương, các đoàn hành trình về nguồn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, trường học… Các đoàn và du khách được hướng dẫn, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị lịch sử cách mạng của KDT, được nghe thuyết minh về Nhà Tưởng niệm - Trưng bày, các lán trại, hầm trú ẩn của các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và các ban, bộ phận khác, nhất là bếp Hoàng Cầm, suối Chín Khúc… Qua đó, du khách rất phấn khởi và tự hào hơn về lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương. Để phục vụ tốt nhu cầu khách tham quan, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, Ban Quản lý KDT đã lắp đặt các bảng nội quy tham quan, bảng chỉ dẫn, sơ đồ các điểm tham quan. Ban Quản lý đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của các đoàn khách để tổng hợp, phân loại các ý kiến để gửi các đơn vị liên quan biết, xem xét giải quyết.
Từ ngày khánh thành đến nay, Ban Quản lý KDT đã tiếp nhận hỗ trợ của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân như: Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Thuận trao tặng Công trình Thanh niên “Số hóa Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ”; Tỉnh đoàn Bình Thuận trao tặng công trình cây xanh với 100 cây hoàng yến... Tiếp nhận thêm 8 hiện vật, trong đó có 6 hiện vật là kỷ vật cá nhân do gia đình đồng chí Bí thư Nguyễn Quý Đôn hiến tặng gồm: Đèn pin, khăn rằn, quần áo và 2 hiện vật do thân nhân liệt sĩ Võ Thành Long tặng. Có thể khẳng định, KDT là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cũng là điểm đến hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm đông đảo người dân và du khách.
Giáo dục truyền thống cách mạng
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay hoạt động của Ban Quản lý KDT vẫn còn nhiều khó khăn. Nổi rõ là địa bàn rộng với trên 10 ha, trong khi đội ngũ viên chức và người lao động ít nên không thể phát huy hết được chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý. Mặt khác, Ban Quản lý là đơn vị được thành lập mới trực thuộc Bảo tàng tỉnh, tuy nhiên, phải sử dụng biên chế, người lao động của Bảo tàng tỉnh được giao năm 2023 để phân công đến làm việc; đồng thời Bảo tàng tỉnh cũng không được cấp bổ sung kinh phí để trả lương cho số nhân viên hợp đồng lao động làm việc tại Khu di tích, mà phải cân đối từ nguồn thu tại di tích tháp Po Sah Inư để chi trả, nên rất khó khăn, áp lực. Ngoài ra, KDT hiện sử dụng giếng khoan, vào cao điểm mùa nắng không đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt, tưới cây; chưa có nhà bếp, nhà ăn tập thể; chưa có nhà bảo vệ, cổng và tường rào phía trước mặt tiền nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn chung về lâu dài...
Tại buổi làm việc về hoạt động của KDT Căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh đánh giá cao việc đưa vào vận hành khai thác KDT đã tạo dấu ấn tốt; trở thành điểm đến thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chia sẻ với những khó khăn trong hoạt động của Ban Quản lý KDT, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý, cần xác định rõ việc gìn giữ di tích là giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
Liên quan đến khắc phục một số khó khăn vướng mắc tại KDT, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện về cơ sở vật chất hạ tầng, lưu ý hoàn thiện các công trình theo dự án đã được duyệt. Về cơ chế hoạt động của Ban Quản lý KDT, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo kinh phí. Quá trình xây dựng đề án cần lưu ý đến quy trình đón khách, bảo quản hiện vật; sưu tầm các câu chuyện để làm phong phú bài thuyết minh tạo sức hấp dẫn du khách; có kế hoạch bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý KDT...