Lầu Năm Góc ngày 24/2 xác nhận Mỹ sẽ triển khai khoảng 7.000 binh sỹ tới Đức trong bối cảnh Washington cáo buộc Nga tấn công Ukraine. Tổng thống Joe Biden tuyên bố, binh sỹ Mỹ sẽ không vào Ukraine, và việc điều động lực lượng chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ NATO.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Biden cho biết các binh sỹ được triển khai ở nước ngoài là một phần lực lượng đã được đặt trong tình trạng cảnh báo hồi tháng trước.
Lầu Năm Góc sau đó xác nhận đơn vị liên quan là nhóm chiến đấu thiết giáp cùng các thành phần hỗ trợ. Những nhóm binh sỹ này nằm trong danh sách cải tổ các lực lượng Mỹ đã có mặt ở châu Âu mà ông Biden đã ra lệnh hôm 22/2.
Bảo vệ biên giới NATO, “không tham chiến ở Ukraine”
Một yếu tố quan trọng trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là Moscow lo ngại Kiev có thể trở thành thành viên NATO.
Ukraine có biên giới chung với các nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Nếu Nga đe dọa một trong những quốc gia này, theo hiệp ước liên minh, Mỹ sẽ phải bảo vệ họ.
“Chúng tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ, cùng với các đồng minh, sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của NATO và tuân thủ các cam kết mà chúng tôi đã thực hiện với NATO”, Tổng thống Biden khẳng định hôm 22/2, sau khi Nga công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.
“Chúng tôi cũng sẽ không gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine”, Tổng thống Biden khẳng định
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, CNN đưa tin, chính quyền Biden đã cân nhắc việc điều động thêm binh sỹ hiện đã có mặt tại châu Âu tới các nước xa hơn về phía Đông, do hỏa lực quy mô lớn của Nga đang ở rất gần các nước đồng minh.
Binh sỹ Mỹ có mặt tại các nước tiếp giáp Nga
Khoảng 800 binh sĩ từ Italy đã được lệnh tới các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania, trong khi 32 máy bay trực thăng tấn công Apache đến Ba Lan và 8 máy bay chiến đấu F-35 khác tới các căn cứ không xác định ở Đông Âu.
Các lực lượng này “sẽ không tham chiến ở Ukraine”, ông Biden nhấn mạnh. Nhà Trắng ủng hộ chính phủ Ukraine và Mỹ sẽ gửi viện trợ nhân đạo tới Ukraine ngoài gói hỗ trợ quân sự 600 triệu USD đã được chuyển tới nước này.
Theo Tổng thống Mỹ, NATO cũng đã kích hoạt kế hoạch phản ứng và tập hợp một “lực lượng sẵn sàng cao độ” - có số lượng dưới 10.000 quân - để triển khai nếu cần thiết.
“Hôm nay chúng tôi đã kích hoạt lập trường phòng thủ của NATO, trao cho các chỉ huy quân đội của chúng tôi thêm thẩm quyền điều động và triển khai lực lượng khi cần thiết và tất nhiên điều này cũng là các thành phần của lực lượng phản ứng NATO. Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi đang thay đổi tình thế nhưng những gì chúng tôi làm là mang tính chất phòng vệ và được tính toán. Chúng tôi không muốn đối đầu mà chỉ muốn ngăn chặn xung đột”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ngày 24/2.
Người Mỹ không muốn can thiệp vào xung đột Nga-Ukraine
Theo các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, người Mỹ lo ngại về việc nước này can thiệp vào xung đột Nga-Ukrainbe,
Một cuộc thăm dò của AP-NORC, tiến hành từ 18-21/2 cho thấy chỉ 26% người Mỹ cho rằng Mỹ nên đóng vai trò lớn hơn trong tình hình giữa Nga-Ukraine. Khoảng 52% cho rằng, Mỹ chỉ nên đóng vai trò nhỏ và 20% cho rằng Mỹ không nên đóng vai trò nào.
Khoảng 32% thành viên đảng Dân chủ và 22% thành viên đảng Cộng hòa muốn Mỹ đóng vai trò quan trọng. 32% thành phần độc lập cho rằng Mỹ không nên đóng vai trò nào, trong khi tỷ lệ này ở các thành viên đảng Cộng hòa là 22% và đảng Dân chủ là 14%./.