Khó xử lý vi phạm hành chính ở nhiều lĩnh vực

08/07/2021, 09:28

BT- Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương đã phát hiện, xử lý hàng ngàn vi phạm hành chính trên nhiều lĩnh vực. Song, quá trình xử lý gặp không ít khó khăn do bất cập giữa thực tế với quy định hiện hành.

Vi phạm trên nhiều lĩnh vực

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 3.600 vụ đối với 227 tổ chức, hơn 3.400 cá nhân. Đến thời điểm này, gần 3.300 quyết định xử phạt đã thi hành xong (chiếm trên 90%); số tiền phạt thu được hơn 15,3 tỷ đồng, số tiền thu được từ thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu hơn 2,2 tỷ đồng. Những vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh phần lớn do cá nhân, doanh nghiệp kê khai không trung thực, doanh nghiệp kinh doanh ở địa điểm không đúng địa chỉ trong giấy đăng ký kinh doanh, không báo cáo khi có yêu cầu; không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư.

Bên cạnh, có không ít doanh nghiệp vi phạm tiến độ thực hiện dự án; xây dựng công trình không có giấy phép, sai giấy phép xây dựng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh phân bón không có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có nội dung trên bao bì không đúng với nội dung ghi trong mẫu nhãn đã đăng ký. Một số doanh nghiệp, cá nhân có xe đã hết hạn kiểm định nhưng không đi kiểm định lại mà vẫn cho xe tiếp tục lưu hành. Tại các huyện, thị xã và thành phố, tình hình vi phạm hành chính diễn biến khá phức tạp, nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ...  

Bất cập giữa thực tế với quy định

Theo UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện, rà soát, phân loại đối tượng, lập hồ sơ và tiến hành xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm hành chính. Qua đó góp phần hạn chế số vụ vi phạm, có tác dụng răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Tuy vậy, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và văn bản quy định chi tiết thi hành luật này. Đơn cử, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “cho phép gia hạn 30 ngày đối với vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”, tuy nhiên chưa có quy định thế nào là đặc biệt nghiêm trọng để có thể kéo dài thời gian ban hành quyết định xử phạt. Tại điểm a, khoản 5, Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định “buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng”. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định hay đưa ra những chỉ tiêu để nhận biết, phân biệt hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, không đảm bảo an toàn sử dụng. Do đó, việc xác định hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng vẫn còn lúng túng, chưa áp dụng được. Mặt khác, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật ở một số cơ quan chuyên ngành vẫn còn thiếu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Được biết, từ những khó khăn, vướng mắc trên, tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện thể chế công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, cập nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi những bất cập để bảo đảm hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ngày càng hoàn thiện, thống nhất và có tính khả thi cao trong thực tiễn, nhất là trên các lĩnh vực như tài nguyên, môi trường, đất đai, xây dựng...

TẤN THÀNH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó xử lý vi phạm hành chính ở nhiều lĩnh vực