Nhờ vậy, năm nay Bình Thuận ước đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, tăng 46% so với năm ngoái, doanh thu từ du lịch cũng tăng mạnh. Du lịch phục hồi, khách đến nhiều, kéo theo nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh, buôn bán, dịch vụ của nhân dân và doanh nghiệp cũng phục hồi, tăng trưởng theo. Có thể nói trong bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa sau đại dịch Covid-19, thì du lịch là điểm sáng nhất của Bình Thuận.
Nhưng số liệu thống kê cũng cho thấy, từ tháng 10, các sự kiện hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2023 ít dần đi, “sức hút” của đường cao tốc cũng giảm dần đi (không còn “nóng” như thời điểm mới khánh thành, khi người dân TP. Hồ Chí Minh háo hức đi cao tốc ra Mũi Né tắm biển), thì lượng khách đến Bình Thuận cũng giảm hẳn so với các tháng 7, 8, 9. Trong khi thị trường khách quốc tế vẫn phục hồi chậm, dù đã bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế sang nghỉ dưỡng, tránh đông.
Sang năm 2024, Bình Thuận không còn tổ chức năm du lịch quốc gia, không còn diễn ra hàng loạt các hoạt động bề nổi như lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… “Sức hút” từ cao tốc cũng giảm dần, du lịch Bình Thuận liệu có giữ được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như năm nay hay không?
Đó là một trong nhiều vấn đề đặt ra tại Hội nghị của Tỉnh ủy Bình Thuận sơ kết 2 năm thực hiện nghị quyết 06 về phát triển du lịch đến 2025 và định hướng đến 2030, vừa diễn ra. 2 năm là quãng thời gian rất ngắn, nhất là với ngành du lịch vừa bị “rơi xuống tận đáy” do đại dịch Covid-19, nên sự phục hồi bước đầu của du lịch trong năm nay là rất đáng trân trọng.Nhưng tốc độ tăng trưởng khách nội địa đã suy giảm, trên bình diện cả nước chứ không riêng gì Bình Thuận. Chúng ta còn nhiều nguy cơ tụt hậu so với các trung tâm du lịch khác: Bình Thuận chưa có sân bay như nhiều điểm đến khác; việc thu hút “đại bàng” hay “sếu đầu đàn” với dự án quy mô lớn, các tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng - mua sắm - vui chơi giải trí - thể thao tầm cỡ chưa đem lại kết quả đáng kể, chưa tạo ra đột phá; các sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn và cạnh tranh mạnh mẽ còn quá ít; kinh tế đêm mới có trên quy hoạch, đề án…
Tại hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy đã đặt ra nhiều câu hỏi rất cần suy nghĩ: Năm nay chúng ta có sự phục hồi nhanh, lượng khách đến rất đông, là 1 trong 10 địa phương có số lượng khách đến cao. Nhưng kết quả đó đến từ đâu? Phải chăng đến từ yếu tố bên ngoài hay không? Có phải đó là cao tốc, là nhu cầu sau một thời gian không đi được do dịch bệnh, hay là chúng ta đã làm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mới tạo ra giá trị ổn định, bền vững, đặc sắc, hấp dẫn du khách? Năm sau, liệu lượng khách có được như năm nay hay không? Những điều này chúng ta phải tính toán, không được chủ quan, không được say sưa trên chiến thắng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trong lần về khánh thành cao tốc ở Bình Thuận đã phát biểu: “Cao tốc chỉ tạo ra động lực, muốn làm giàu địa phương phải nỗ lực”. Năm nay Bình Thuận đã rất nỗ lực tổ chức thành công năm du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh. Sang năm, để tận dụng cơ hội cao tốc đem lại, cần nỗ lực thu hút các nhà đầu tư có tên tuổi, có tiềm lực mạnh, có tâm huyết vào triển khai các tổ hợp du lịch tầm cỡ ở Bình Thuận. Cả lãnh đạo và nhân dân Bình Thuận đều mong muốn tuyến cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch mới, tạo ra nhiều việc làm, sinh kế cho người dân dọc hai bên tuyến cao tốc.