Khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Những hạn chế cần hoàn thiện

16/06/2022, 15:00

Việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB đã mang lại nhiều tiện ích cho cả cơ sở khám chữa bệnh và người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, bước đầu triển khai đã xuất hiện một số khó khăn, bất cập.

Chị Ngô Thị Tuyết, 35 tuổi ở TP. Thanh Hóa bị đau ở vùng cổ, thường xuyên thấy mệt và khó thở. Tự sờ bằng tay thấy một vài cục nhỏ vùng tuyến giáp. Lo lắng có thể bị u tuyến giáp chị đã về Bệnh viện Bạch Mai khám và chị khá bất ngờ về quy trình tiếp nhận tại đây.

"Được nhân viên tiếp nhận rất nhanh, chỉ cần đưa cái CCCD và quét mã QR là toàn bộ thông tin đã hiện lên màn hình, rất thuận lợi, đi khám không cần nhiều giấy tờ thủ tục…”, chị Tuyết chia sẻ.

kham.jpg
Chỉ cần quét mã QR trên CCCD mới thì toàn bộ thông tin cần thiết của người bệnh sẽ hiện lên hệ thống máy tính của bệnh viện.

Anh Lê Thanh Tùng ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cũng mất chưa đầy 5 phút để làm thủ tục khám chữa bệnh. Thay vì xuất trình nhiều loại giấy tờ như trước thì hiện nay anh chỉ cần trình thẻ CCCD và đăng ký khám khoa cơ xương khớp là hồ sơ khám đã hoàn thiện.

“Rất thuận tiện và nhanh hơn trước. Đặc biệt với người già đi khám mà cầm nhiều giấy tờ có thể bị mất, thất lạc, thế nên chỉ cần cầm CCCD đi thì mình thấy rất hay và mới", anh Lê Thanh Tùng cho biết.

Theo ông Trần Thái Sơn – Phó Trưởng Phòng KHTH - Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp tích hợp dữ liệu BHYT mới được một thời gian ngắn. Số lượng người sử dụng thẻ CCCD tích hợp để khám chữa bệnh chưa nhiều, tuy nhiên bước đầu cho thấy đã mang lại nhiều thuận lợi cho cả bệnh nhân đến khám và công tác quản lý tại bệnh viện.

"Trước kia phải đối chiếu giữa thẻ y tế giấy với chứng minh thư và cơ sở dữ liệu ở trên cổng thông tin dữ liệu y tế, hiện nay chỉ dùng 1 loại giấy tờ để kiểm tra giám sát giúp cho người dân đi KCB thuận lợi nhất.", ông Trần Thái Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị khoảng 6.000-8.000 lượt bệnh nhân. Tới đây, nếu triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip một cách đồng bộ sẽ rút ngắn thủ tục và thời gian chờ của người bệnh, giúp nâng cao chất và sự hài lòng của bệnh nhân đối với bệnh viện. Tuy nhiên, vì đây là một hình thức mới nên bước đầu triển khai cũng có một số khăn nhất định.

"1 số đầu đọc trang bị khá lâu rồi, sự tương thích với căn cước công dân gắn chip chưa tốt, nên có những thẻ khi đưa vào máy quét không đọc được hoặc đọc không đúng tên tuổi của chủ thẻ vì thế người bệnh vẫn phải quay lại sử dụng thẻ BHYT giấy”, ông Sơn cho biết.

Hiện bệnh viện đang rà soát lại để nâng cấp phần mềm hoặc thay mới đầu đọc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân đến khám bằng thẻ CCCD gắn chip hoặc qua VSSID...

Trao đổi với PV VOV2, ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều cơ sở khám chữa bệnh khác cũng gặp khó khăn này.

Bên cạnh đó, sau hơn 2 tháng triển khai, theo phản ánh của nhiều cơ sở y tế, trước đây dùng thẻ giấy, khi bệnh nhân đến khám hoặc điều trị nội trú bệnh viện sẽ giữ thẻ BHYT và trả lại khi kết thúc quá trình điều trị. Nhưng khi áp dụng khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, tích hợp dữ liệu BHYT, đã xuất hiện tình trạng bệnh nhân chưa kết thúc đợt điều trị đã rời khỏi bệnh viện, không thanh toán viện phí hoặc khoản đồng chi trả. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân đang điều trị nội trú ở bệnh viện này nhưng vẫn đi khám ngoại trú ở bệnh viện khác.

“Đây cũng là những khó khăn khiến một số cơ sở khám chữa bệnh chưa mạnh dạn triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp dữ liệu BHYT”, ông Lê Văn Phúc cho biết.

Với những khó khăn trước mắt - đặc biệt là vướng mắc liên quan đến đầu đọc thẻ, ông Lê Văn Phúc khẳng định: "BHXH Việt Nam, Bộ Công an và các cơ sở khám chữa bệnh đang phối hợp để xử lý, khắc phục sớm những khó khăn này để việc khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip được triển khai thuận lợi nhất cho người có thẻ bảo hiểm y tế”./.

Sau hơn 2 tháng triển khai hiện đã có gần 40 triệu người đã được tích hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân có gắn chip (chiếm 50% tổng số người có thẻ BHYT).

VOV.VN

Related articles
Việt Nam thúc đẩy EU gỡ bỏ kiểm soát Etylen oxit mỳ ăn liền xuất khẩu
Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc EU gỡ bỏ biện pháp kiểm soát Etylen oxit đối với các sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của Việt Nam.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Những hạn chế cần hoàn thiện