Khai thác nét đẹp văn hóa dân tộc qua các lễ hội truyền thống

19/04/2023, 05:52

Những năm qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, chú trọng tổ chức, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, góp phần quan trọng bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Duy trì trên 50 nghi lễ dân gian và lễ hội

Theo kết quả rà soát năm 2019 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại trên 50 nghi lễ dân gian và hoạt động lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau. Lễ hội truyền thống luôn giữ được những nét văn hóa riêng có, đậm đà bản sắc, đồng thời tuân thủ theo những quy tắc nhất định trên cơ sở quy ước chung của cộng đồng.

img_2334.jpg
Hoạt động mừng Tết Đầu lúa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Bình

Trước khi tổ chức lễ hội, có khoảng 50% ban quản lý các di tích hoặc ban tổ chức lễ hội thực hiện thông báo, đăng ký tổ chức lễ hội với UBND các cấp theo quy định. Đồng thời, đưa ra nội quy cụ thể khu vực vui chơi giải trí, khu vực tổ chức hoạt động dịch vụ, bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích, không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Hướng dẫn đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích. Yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết, không chèo kéo, bày bán thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật.

nghinh-ong-2022.jpg
Lễ hội Nghinh Ông

Bên cạnh đó, để ngăn chặn, khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến việc tổ chức lễ hội, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nếu có...

Gắn lễ hội với phát triển du lịch

Theo ông Lâm Tấn Bình – nguyên Giám đốc Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận: Lễ hội chính là thái độ thể hiện lòng biết ơn uống nước nhớ nguồn và sự ngưỡng vọng, tôn vinh của người đời sau đối với những người đã có công xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, truyền nghề, khai hoang mở đất, lập làng… Do vậy mà lễ hội được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là một trong những môi trường giáo dục truyền thống cho lớp trẻ và nhu cầu tinh thần chính đáng của mọi người, cần được trân trọng. Hiện thời gian diễn ra lễ hội đã rút ngắn, hầu hết chỉ từ 1 - 2 ngày, một số ít lễ hội lớn nổi tiếng cũng chỉ kéo dài từ 3 - 4 ngày và các nghi thức vẫn theo tập tục truyền thống vốn có từ lâu đời.

mua-cham.jpg
Thiếu nữ Chăm múa hát mừng Lễ hội Katê

Ngoài các lễ hội truyền thống tại các đình làng, lăng vạn (thờ cá voi), đền tháp Chăm, đền miếu, những năm qua, Bình Thuận đã chọn 5 lễ hội truyền thống và văn hóa tiêu biểu của các dân tộc để phục vụ phát triển du lịch là Lễ hội Katê của người Chăm tại tháp Pô Sah Inư, Lễ hội Cầu ngư tại Vạn Thủy Tú, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa (Phan Thiết), Lễ hội dinh Thầy Thím (La Gi). Các lễ hội này đều dựa trên nguyên tắc bảo tồn giá trị truyền thống, loại bỏ dần yếu tố lạc hậu, khai thác tiềm năng của lễ hội để phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ giá trị chân thực của lễ hội, không sáng tạo theo cảm tính và can thiệp vào phần lễ vốn được coi là cốt lõi của lễ hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, các hình thức, nội dung tổ chức phần hội không ngừng đổi mới theo kịp xu hướng thời đại nhưng không làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có của mỗi cộng đồng dân tộc và mỗi loại hình lễ hội.

van-hoa-posainu.jpg
img_1267.jpg
Đông đảo người dân và du khách đến nghiên cứu, tìm hiểu Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư

Trong đó, phần hội vẫn giữ được các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh như múa lân sư rồng, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, đi cà kheo, đẩy gậy, nhảy bao bố, đập niêu, biểu diễn văn nghệ, chạy việt dã, bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, cờ tướng, cờ người, thi gánh cá, đan lưới, đưa thúng ra khơi… góp phần tạo sân chơi hấp dẫn, có sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương và du khách.

Cùng với sự hấp dẫn của “thiên đường nghỉ dưỡng biển”, du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân gian một vùng đất đang là xu hướng mới được nhiều đối tượng khách lựa chọn. Điều này không những đem lại các lợi ích kinh tế, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, lễ nghi truyền thống. Lượng khách du lịch, hành hương liên tục tăng qua các năm là bằng chứng cho thấy Bình Thuận đang trở thành một địa chỉ thân thiện, gần gũi, an yên, tốt đẹp cho tâm hồn mỗi người khi tới đây.

Quý I/năm 2023 du lịch Bình Thuận ước đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 2,2 lần so cùng kỳ năm trước, đạt hơn 30% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 67,8 ngàn lượt, tăng 7,3 lần so với cùng kỳ.

THÙY LINH

Related articles
Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Chăm
BT- Bắc Bình là một trong những huyện có nhiều người Chăm sinh sống từ lâu đời. Người Chăm ở Bình Thuận nói chung, Bắc Bình nói riêng có một nền văn hóa nông nghiệp phát triển, họ sống chủ yếu bằng nghề nông.

(0) Comments
Focus
A New Race Begins
BTO-“I grew up in a poor rural area, where life was full of challenges and hardships. And yet, here I am now, standing here, with this great award and joy!” Vinicius Jr spoke these heartfelt words during the 2024 FIFA The Best Awards ceremony held in Doha, Qatar, on the evening of December 17.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác nét đẹp văn hóa dân tộc qua các lễ hội truyền thống